Chính trị

Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ở Khánh Hòa

Dương Vương 02/04/2023 14:06

Sáng 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Tham dự Hội nghị, có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Khánh Hòa và gần 1.000 đại biểu.

thu_tuong_du_hoi_nghi_cong_bo_2_quy_hoach_va_xuc_tien_dau_tu_o_khanh_hoa_2_4-2-.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 được tổ chức nhằm công bố các quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa, định hướng phát triển của tỉnh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người đạt nhóm tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người; số lao động có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 11.000-12.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 90%; ...

thu_tuong_du_hoi_nghi_cong_bo_2_quy_hoach_va_xuc_tien_dau_tu_o_khanh_hoa_2_4-3-.jpg
Thủ tướng cùng đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tham gia xúc tiến đầu tư.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; đô thị ven biển thu hút khách du lịch và môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2031-2050 đạt khoảng 5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt 690 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75-80%.

Căn cứ Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Phát triển kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Định hướng phát triển không gian tổng thể, Khu Kinh tế Vân Phong được chia làm 2 khu vực chính, gồm Bắc và Nam Vân Phong. Khu vực phía Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm: Các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.

Khu vực phía Nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa) gồm: Cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển.

thu_tuong_du_hoi_nghi_cong_bo_2_quy_hoach_va_xuc_tien_dau_tu_o_khanh_hoa_2_4-1-.jpg
Trao và công bố quyết định về quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, là cửa ngõ ra Biển Đông ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có bờ biển dài (hơn 385 km), có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là lợi thế phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của tỉnh; các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa được quản lý và sử dụng thực sự hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn nằm trong nhóm địa phương có chỉ số thấp, chậm được cải thiện, trong năm 2021 PCI xếp thứ 44/63 tỉnh thành cả nước.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; tuân thủ luật pháp, điều kiện về phát triển bền vững và các quy định về an ninh - quốc phòng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “Đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, thành động lực phát triển.

Đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng và đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiện thực hóa mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Tại Hội nghị, Khánh Hòa lựa chọn, trao quyết định chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư 08 dự án với tổng vốn trên 31,2 nghìn tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ 16 dự án với tổng vốn đăng ký trên 80,6 nghìn tỷ.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 là một trong những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2023).

Trước đó, tối ngày 01/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa với chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Khánh Hòa – Xứ Trầm tỏa hương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự Hội nghị cng bố quy hoạch v xúc tiến đầu tư ở Khánh Ha