Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lo Thongloun Sisoulith dẫn đầu Đon đại biểu cấp cao Chính phủ Lo sang thăm Việt Nam v đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lo từ ngy 4-6/12/2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith
Cùng đi với Thủ tướng Thongloun Sisoulith có các đồng chí: Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam; Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng; Sommad Pholsena, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Saysy Santyvong, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ; Khemmani Pholsena, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Sengdeuane Lachanthaboune, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; Bounchanh Sinthavong, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải; Sonexay Sitphaxay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Kongkeo Xaysongkham, Tỉnh trưởng tỉnh Borikhamxay; Khamlieng Outhakaisone, Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun; Keo Oudon Boutsingkhone, Tỉnh trưởng tỉnh Khammouane; Sengphet Houngboungnuang, Đại sứ Lào tại Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển tốt đẹp.
Trong năm 2020, dù phải tạm hoãn nhiều hoạt động đối ngoại do dịch bệnh, hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác.
Việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 43 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào nhằm tiếp tục khẳng định ưu tiên đối ngoại của cả hai nước là không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo một kênh thống nhất chỉ đạo thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Chung sức đồng lòng, kề vai sát cánh trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, thân thiết, nhân dân hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tấm gương mẫu mực về sự gắn kết thủy chung và son sắt giữa hai Đảng, hai dân tộc không ngừng đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Nhân dân Việt Nam và Lào luôn chung sức đồng lòng, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước vẫn vững bền, ngày càng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, tiếp tục đơm hoa, kết trái.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên trao đổi dưới nhiều hình thức. Nổi bật với việc hai bên tổ chức thành công cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, hai bên trao đổi khoảng 27 đoàn, trong đó, Việt Nam sang Lào 10 đoàn và Lào sang Việt Nam 17 đoàn. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, lãnh đạo và nhân dân Lào cảm kích và đánh giá cao việc Việt Nam mặc dù cũng đang rất khó khăn nhưng đã chủ động chia sẻ, hỗ trợ chân thành với nước bạn Lào cả về vật chất lẫn kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã giúp các trang thiết bị, vật tư y tế và tiền mặt với tổng giá trị hơn 1,5 triệu USD.
Do ảnh hưởng của đợt lũ lụt ở miền Trung Việt Nam, lãnh đạo cấp cao của Lào đã có điện thăm hỏi Lãnh đạo Việt Nam về nhân dân các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bão lụt (tháng 10/2020). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi và trao tặng 1.000 tấn gạo tới chính quyền và nhân dân tỉnh Savannakhet của Lào chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt (tháng 11/2020).
Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Lào. Hai bên tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Nghị định thư hợp tác 5 năm và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước.
Hai bên thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới, phối hợp triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước.
Trong mùa khô 2019-2020, hai bên đã phối hợp tìm kiếm, cất bốc được 181 bộ hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh và đã hồi hương được 168 bộ hài cốt.
Trong khó khăn vẫn không ngừng phát triển, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực
Do tình hình dịch COVID-19, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng gặp nhiều khó khăn, các yếu tố đầu vào như nguyên liệu sản xuất, nhân công không đảm bảo, không đáp ứng theo yêu cầu; không có dự án được cấp phép mới, các dự án đã cấp phép dừng hoạt động.
Tính đến nay, số dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào vẫn dừng ở 413 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào đến hết tháng 10/2020 đạt 8,5 triệu USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất đạt 464,8 triệu USD (giảm 17,8%), Việt Nam nhập khẩu đạt 350,8 triệu USD (giảm 3,5%).
Hợp tác giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm. Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020," chú trọng tăng cường đào tạo cán bộ chiến lược cho Lào.
Bộ Giáo dục hai nước hiện đang phối hợp xây dựng dự thảo Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030.
Năm 2020, Việt Nam dành 1.000 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 16.664 người (diện thỏa thuận Chính phủ 4.228 người).
Đến nay, các địa phương của Việt Nam đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 trên tổng số hơn 8.000 sinh viên Lào quay trở lại Việt Nam sau dịch COVID-19.
Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Các địa phương của Việt Nam giáp biên giới với Lào đã chủ động có các hình thức hỗ trợ, viện trợ các địa phương của Lào về trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19, tiếp nhận bệnh nhân người Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam... được dư luận lãnh đạo và nhân dân bạn cảm kích, đánh giá cao.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane, diễn ra ngày 2/12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào; nhấn mạnh bất chấp những biến động của tình hình thế giới và khu vực, tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Lào không bao giờ thay đổi và luôn được khắc sâu trong trái tim mọi tầng lớp nhân dân hai nước.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng toàn khu vực, hai nước Lào-Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân…, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Lào tích cực ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mekong.