Việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lo nhằm tiếp tục khẳng định ưu tiên đối ngoại của cả hai nước l khng ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đon kết đặc biệt v hợp tác ton diện Việt Nam-Lo.
Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sang thăm và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tại Hà Nội từ ngày 2-4/1/2020.
Cùng đi với Thủ tướng Thongloun Sisoulith có các đồng chí Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam; Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vilay Lakhamphong, Bộ trưởng Bộ An ninh; Kikeo Khaykhamphithoune, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch; Phet Phomphiphak, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng; Khammany Intharath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ; Khemmany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bounchanh Sinthavong, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải; Kongsy Sengmany, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; Onesy Sensouk, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bounchom Ubonpaseuth, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Saengphet Hungbounyong, Đại sứ Lào tại Việt Nam; Somphone Sichaieune, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Malaithong Kommasith, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Thư ký Thủ tướng Chính phủ; Khampheuy Keokinnaly, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam.
Việt Nam-Lào có bề dày truyền thống đoàn kết đặc biệt
Việt Nam-Lào có bề dày truyền thống đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ thủy chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã được giữ gìn, phát huy như một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Trong những năm qua, hai bên không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, coi đây là quy luật phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Những năm qua, quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đang tiếp tục được củng cố vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên gặp gỡ dưới nhiều hình thức, việc trao đổi đoàn các cấp được duy trì đều đặn. Các ban của Đảng, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương hai nước thường xuyên sang thăm lẫn nhau chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như các lĩnh vực chuyên môn…
Đến hết tháng 8/2019, hai bên trao đổi hơn 120 đoàn trong đó có khoảng 60 đoàn từ cấp Thứ trưởng trở lên. Hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ do hai Thủ tướng đồng chủ trì.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Hai bên tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Nghị định thư hợp tác 5 năm và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới, phối hợp triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước.
Hai bên tiếp tục hợp tác xây dựng cụm bản biên giới; tiếp tục công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh. Hai bên đang thúc đẩy thực hiện giai đoạn 2 dự án xây dựng Tượng đài liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào tại tỉnh Saysomboun.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông. Lào tích cực ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mê Công, tiếp tục phối hợp với các bên kiểm tra, giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước sông Mê Công.
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học kỹ thuật có sự chuyển biến tích cực. Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các nội dung Biên bản kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (tháng 1/2019).
Qua kiểm điểm kết quả hợp tác thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương của cả hai nước đã có nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn của môi trường kinh tế, thương mại quốc tế, khu vực suy giảm; hai nước Việt Nam và Lào đều chịu nhiều thiên tai, hạn hán nặng nề, nhưng trong 10 tháng qua, hợp tác thương mại là một điểm sáng với kim ngạch hai chiều đạt 940 triệu USD, ước cả năm 2019 đạt 1,1-1,2 tỷ USD, tăng 12,6%, vượt mục tiêu hai Chính phủ đề ra là 1 tỷ USD và tăng 10%/năm. Trong đó, Lào xuất khẩu gần 400 triệu USD (tăng 16%), đây là nỗ lực lớn, thể hiện sức cạnh tranh của kinh tế Lào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Cho tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 413 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn 4,22 tỷ USD, đứng thứ 3 các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào, với nhiều công trình tiêu biểu đang kinh doanh đạt kết quả tích cực như: Liên doanh viễn thông của Viettel, các dự án của Tập đoàn Cao su với hàng vạn hécta, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Crow Plaza, Ngân hàng Lào-Việt, Nhà máy thủy điện Xekaman 1 đang hoạt động hiệu quả… Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và đến năm 2030 sẽ mua tới 5.000 MW, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Lào phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, hằng năm Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào, giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng; năm tài khóa 2019 là 707 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2018, phát triển nhiều dự án hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội… Đầu năm 2019, Việt Nam đã viện trợ 300 tấn lúa giống cho Lào để hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Việt Nam đã cấp hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào; hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 4 tháng tại Lào.
Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020,” chú trọng tăng cường đào tạo cán bộ chiến lược cho Lào. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.656 người, số lưu học sinh Việt Nam tại Lào là 260 người. Việt Nam đã mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 497 cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào trên các lĩnh vực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hoàn thành, bàn giao chương trình tiếng Việt, bản thảo bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho phía Lào.
Các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch được quan tâm thúc đẩy ở cả cấp trung ương và địa phương, góp phần tăng cường sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào, ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2019, khoảng 5 dự án viện trợ hoàn thành, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng; mở mới 2 dự án; công trình Nhà Quốc hội Lào tích cực triển khai, đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra…
Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại mỗi nước; đã thành lập Hội người Việt Nam tại 12/18 tỉnh/thành phố của Lào..
Việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào nhằm tiếp tục khẳng định ưu tiên đối ngoại của cả hai nước là không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo kênh thống nhất chỉ đạo thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Đồng chí Thongloun Sisoulith sinh ngày 10/11/1945, tại tỉnh Houaphanh, Lào; từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Mặt trận Lào yêu nước, tỉnh Houaphanh, Lào; là thạc sỹ Ngôn ngữ-Văn học Học viện Giáo dục Gerzen tại Thành phố Saint Peterburg, Liên Xô; tiến sỹ Lịch sử Quan hệ quốc tế, Học viện Khoa học xã hội, Moskva, Liên Xô. Quá trình công tác của đồng chí Thongloun Sisoulith: Năm 1967 đến năm 1969, đồng chí là chuyên viên chính, Vụ Giáo dục phổ thông, Mặt trận Lào yêu nước, tại tỉnh Houaphanh, Lào. Từ năm 1969 đến năm 1973, đồng chí là chuyên viên chính, Văn phòng Đại diện Mặt trận Lào yêu nước tại Hà Nội; năm 1978-1979, là giảng viên trường Đại học Vientiane; năm 1979-1981, thư ký Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục. Từ năm 1985 đến năm 1986, đồng chí Thongloun Sisoulith là Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Phủ Thủ tướng; năm 1987-1992, là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; năm 1993-1996, là Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội; năm 1997-2001, là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Từ năm 2001 đến năm 2006, đồng chí Thongloun Sisoulith là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Đầu tư; Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Quốc gia Lào (LNCE); đại biểu Quốc hội Lào. Từ năm 2006 đến năm 20, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào. Từ tháng 7/20 đến tháng 4/2016, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Lào. Tháng 1/2016, tại Đại hội lần thứ X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Từ tháng 4/2016 đến nay, đồng chí Thongloun Sisoulith là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Lào. |