Chiều 9/4, dự Lễ tuyên dương Đon cng tác quân đội v cng an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar vừa hon thnh xuất sắc nhiệm vụ về nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Đon Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện sự trưởng thnh của quân đội, cng an; thể hiện bản chất, văn hoá Việt Nam v trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Đoàn Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện sự trưởng thành của quân đội, công an; thể hiện bản chất, văn hoá Việt Nam và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước tặng 2 tập thể và 3 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 8 tập thể, 17 cán nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.
Thủ tướng trao Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước tặng 2 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trưa 28/3, tại Myanmar đã xảy ra trận động đất với độ lớn 7,7, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Chính phủ Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, khắc phục hậu quả.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã quyết định cử Đoàn công tác quân đội và công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar từ ngày 30/3 đến ngày 8/4. Đoàn Việt Nam được đánh giá là đoàn đã cứu và tìm kiếm được nhiều nạn nhân nhất, có nhiều hoạt động hỗ trợ nhất tại Myanmar.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 8 tập thể, 17 cán nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, Đoàn công tác của quân đội cử 80 cán bộ, chiến sĩ, và gần 60 tấn hàng hóa, trang thiết bị sang Myanmar hỗ trợ, khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Đoàn đã kịp thời sử dụng chó nghiệp vụ và các thiết bị chuyên dụng dò tìm, phát hiện 32 vị trí có nạn nhân, và trực tiếp tổ chức tìm kiếm ở 20 vị trí, bàn giao cho bạn 12 vị trí. Đoàn quân đội đã phát hiện và đưa ra 21 thi thể; phối hợp với lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống được 1 nam thanh niên 26 tuổi và bàn giao cho gia đình nạn nhân trước sự trân trọng người dân địa phương và lực lượng cứu hộ của nước bạn.
Đoàn cũng tìm và đưa ra nhiều tài sản, trang thiết bị có giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD để bàn giao cho gia đình nạn nhân và bệnh viện; tiến hành các hoạt động nhân đạo đối với nhân dân địa phương; bàn giao cho Bộ An sinh và Tái thiết Myanmar 50 tấn lương khô, 3.026 lều bạt, hơn 20 tấn trang bị, máy nổ, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế và trang bị, vật dụng khác; thành viên đoàn đã quyên góp 5.000 USD hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân; tổ chức khám và phát thuốc cho hơn 200 người dân.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đoàn đã thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, giao lưu tiếp xúc và chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn với các cơ quan chuyên môn của Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất… Tinh thần, trách nhiệm và hoạt động của Đoàn quân đội được phía bạn rất trân trọng và đánh giá cao.
Riêng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) bảo đảm đầy đủ thông tin liên lạc và nhiều trang thiết bị phục vụ 2 Đoàn quân đội và công an làm nhiệm vụ; hỗ trợ miễn phí viễn thông cho hơn 4,5 triệu khách hàng tại Myanmar; cấp sim điện thoại cho hơn 30.000 người và các đoàn cứu hộ quốc tế; giúp nhân dân hàng nghìn lều bạt; hỗ trợ số tiền tương đương 4 tỷ đồng cho Chính phủ Myanmar.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao bằng khen của Bộ Công an cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng với lực lượng quân đội, Bộ Công an cử 26 cán bộ, chiến sĩ, cùng với 2 chó nghiệp vụ và hơn 1 tấn vật tư, hàng hóa, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ tác chiến, gần 3 tấn vật tư y tế sang Myanmar hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn và nguy hiểm, với nhiệt huyết, kỹ năng, Đoàn Bộ Công an đã trực tiếp đưa ra ngoài khu vực sập đổ 7 thi thể nạn nhân, đồng thời tham gia phối hợp phát hiện vị trí và hỗ trợ các lực lượng chức năng, các đoàn quốc tế khác đưa 7 người bị nạn ra ngoài và bàn giao cho các gia đình và cơ quan chức năng.
Bộ Công an đã tiến hành viện trợ 2 đợt thuốc, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ lưu trú cho Myanmar với tổng khối lượng 11 tấn; hỗ trợ tài chính cho 7 gia đình nạn nhân thiệt mạng, tặng quà cho 185 bệnh nhân tại 2 bệnh viện dã chiến và ủng hộ người dân bị thiên tai thông qua cơ quan cứu trợ thiên tai Myanmar với tổng số tiền 20 triệu đồng tiền Myanmar; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hơn 50 bệnh nhân; dựng nhiều lều bạt làm nơi tạm trú cho nạn nhân tại các khu tập trung do mất nhà cửa và các bệnh nhân thuộc bệnh viện dã chiến; tổ chức 5 hoạt động cấp phát lương thực, nước uống cho người dân tại các khu tập trung và tại nơi Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài ra, Đoàn công tác của Bộ Công an cũng phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cứu hộ Myanmar cũng như làm tốt vai trò điều phối hoạt động cứu hộ chung với sự tham gia của lực lượng cứu hộ các nước Singapore, Indonesia, Philippines… Sự chuyên nghiệp, tận tụy của các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã nhận được sự biểu dương, cảm phục của lực lượng cứu hộ các nước, qua đó lan tỏa, phát huy hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân trong mắt bạn bè quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng báo cáo tại buổi lễ -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau khi đại diện lực lượng cựu nạn, cứu hộ của quân đội, công an chia sẻ những câu chuyện, những chi tiết hết đỗi xúc động, tự hào trong quá trình khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, phát biểu tại sự kiện, một lần nữa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Myanmar về những thiệt hại, mất mát do trận động đất vừa qua gây ra; tin tưởng với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Myanmar, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Myanmar sẽ sớm vượt qua khó khăn, thử thách này.
Thủ tướng cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, với truyền thống nhân đạo của dân tộc, trên tinh thần "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"; Việt Nam đã quyết định cử đoàn hỗ công tác gồm 106 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an sang Myanmar tham gia cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả động đất. Đồng thời gửi 300.000 USD hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất.
Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Bộ Công an báo cáo tại buổi lễ -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là lần thứ 3 Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa ở nước ngoài và được triển khai rất nhanh chóng; cho thấy sự tiến bộ rất rõ về năng lực, kinh nghiệm, khẳng định bản lĩnh, uy tín của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam trước các vấn đề an ninh phi truyền thống, được cộng đồng quốc tế và Chính phủ, nhân dân Myanmar trân trọng, đánh giá cao.
"Đoàn Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện bản chất anh hùng, sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội, công an Việt Nam; tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái; tình nghĩa thuỷ chung; văn hoá tương trợ lá lành đùm lá rách; tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng của dân tộc Việt Nam; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; góp phần vào hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và quốc tế; phát triển để ổn định, ổn định để phát triển; thể hiện tinh thần "lấy dân làm gốc"; mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan đã nhạy bén, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xử lý các vấn đề quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, thành tích của Đoàn công tác quân đội và công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar; cũng như các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phối hợp tổ chức bảo đảm cho lực lượng tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quân đội và đất nước trên trường quốc tế; ghi nhận, biểu dương các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động của Đoàn công tác, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và Nhân dân cả nước; các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đã hỗ trợ vận chuyển người, phương tiện, trang thiết bị, thuốc men, vật phẩm phục vụ Đoàn công tác khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.
Thủ tướng cho rằng, qua các hoạt động tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đánh giá kỹ lưỡng về năng lực ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống của Việt Nam.
Trong đó, nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa để chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, sâu sát, nhanh nhạy, kịp thời phù hợp, hiệu quả với diễn biến, tình hình; có phương án huy động các lực lượng và phương tiện phù hợp thiết thực, hiệu quả; chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về lực lượng, phương tiện phù hợp với các loại hình sự cố, thảm họa; làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bảo đảm sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp.
Việc tổ chức thực hiện phải thống nhất phương án, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, hiệp đồng chặt chẽ; quán triệt nghiêm các mệnh lệnh, chỉ huy tại hiện trường; chú trọng công tác thông tin, báo cáo, bảo đảm thông suốt, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông để thúc đẩy quan hệ, chính sách đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam, thể hiện thái độ chân thành, tình cảm, chia sẻ với nhân dân các nước.
Thủ tướng cho biết, năm 2025 và thời gian tới, những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là tình hình thiên tai, thảm họa trên thế giới và khu vực ngày càng phức tạp, khó lường và ở trong nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn với cường độ ngày càng cao. Do đó, việc chuẩn bị, đối phó với những thách thức, nguy cơ đó càng trở nên khẩn trương, cấp bách. Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển tới, đất nước ta đề cao hơn nữa nhân tố con người, an ninh con người, an ninh, an toàn cuộc sống cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cho rằng bối cảnh, tình hình trên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn đối với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh…; tăng cường đầu tư cho các lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng chuyên trách đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ, lực lượng rộng rãi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát, kiện toàn các kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án; chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cả ở trong nước và quốc tế, trong mọi điều kiện, mọi địa bàn.
Thủ tướng cho rằng, kết quả của Đoàn công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar lần này đóng góp nhiều kinh nghiệm hay, bài học hữu ích đối với công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai, thảm họa trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm các nước để bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
Nhấn mạnh, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong đó có việc triển khai lực lượng ra nước ngoài tham gia hoạt động cứu hộ, cứu nạn có ý nghĩa quan trọng đối phát triển kinh tế-xã hội và triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại, thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, kết quả của Đoàn công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar lần này đóng góp nhiều kinh nghiệm hay, bài học hữu ích đối với công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai, thảm họa trong thời gian tới.