Mùa Xuân này, nhiều gia đình tại thôn Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn mới thực sự cảm nhận được niềm vui từ mái ấm trên những ngôi nhà mới xây. Không những vậy, niềm vui còn được nhân lên, khi họ đã vượt qua khó khăn để vươn lên, rồi mạnh dạn viết những lá đơn xin được thoát khỏi cái nghèo khó đã đeo bám bấy lâu nay, dành lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn còn đang phải vật vã để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.
Thành quả từ sự vận dụng thế mạnh sẵn có
Cách TP. Lạng Sơn khoảng 55km, Đình Lập là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lạng Sơn, có đường biên giới quốc gia với chiều dài trên 40km. Là huyện có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm trên các tuyến đường kết nối giữa thành phố Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, do đó Đình Lập có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh tế, thương mại đặc biệt là kinh tế đồi rừng và loại hình du lịch sinh thái biên giới.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan, kinh tế Đình Lập vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng mấy năm gần đây, nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển rõ rệt.
Với diện tích đất rừng lớn nên huyện đã tập trung những điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Bằng những quyết tâm vượt khó của người dân, sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương nên diện tích rừng trồng trên địa bàn hàng năm không ngừng tăng lên, rồi hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung và các vùng trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… từ đó đem lại nguồn thu và giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh phát triển kinh tế đồi rừng, huyện Đình Lập còn luôn quan tâm thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đặc biệt, huyện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các loại hình dịch vụ như vận tải, dịch vụ bến bãi và bốc xếp hàng hóa, ngân hàng, tín dụng, bưu chính viễn thông… nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng…
Từ những nỗ lực, hướng đi đúng nên cuộc sống của người dân dần được nâng cao. Nhìn những cánh rừng thông, rừng keo bạt ngàn đang tốt tươi, những tuyến đường gồ ghề sỏi đá trước đây đã được thay bằng nhựa hoặc bê tông, nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây mới đã tạo nên diện mạo của đô thị khang trang và hiện đại hơn, trở thành một trong những địa phương hấp dẫn của tỉnh Lạng Sơn để thu hút đầu tư cũng như đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lý Thị Hỷ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện các hộ xin thoát nghèo ngày một tăng. Một phần do kinh tế của người dân đã khá giả hơn, hơn nữa họ cũng nhận thức được trách nhiệm vì cộng đồng để nhường những hỗ trợ, chính sách ưu đãi tới những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền các xã tạo điều kiện tối đa để hộ nghèo tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi; hỗ trợ cây giống, con giống và hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, giúp họ từng bước đi lên.
Theo thống kê từ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Đình Lập, từ năm 2022 đến hết năm 2023, toàn huyện có 25 hộ viết đơn đơn xin thoát nghèo, riêng trong năm 2023, toàn huyện có hộ viết đơn xin thoát nghèo, trong đó, 10 hộ thuộc xã Châu Sơn và 5 hộ thuộc xã Thái Bình.
Sau khi nhận được đơn xin thoát nghèo, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện tiến hành rà soát, thẩm định để đánh giá, phê duyệt và công nhận các hộ thoát nghèo.
Vượt lên từ trong ý chí
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 20, trong cái rét cắt cứa thịt da, chúng tôi cố gắng để lên Khe Pặn Ngọn - một trong những thôn xa nhất của xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn – với mong muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay khi Tết đến Xuân về.
Vượt qua những con dốc nhỏ hẹp, quanh co, chúng tôi tìm đến nhà anh Dương Kim Thiền, là một trong những hộ tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo tại thôn. Gặp chúng tôi, anh Thiền vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, 3 người con đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, có rừng nhưng lại thiếu vốn để sản xuất. Năm 2018, được cán bộ xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để chăm sóc và mở rộng diện tích rừng thông lên 4 ha. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch được 3 đến 4 tấn nhựa thông”.
Có vốn để quay vòng, anh Thiền đã tiếp tục đầu tư trồng mới thêm 2 ha cây keo, đến nay, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hiện nay, gia đình anh đã trả được hết nợ tại ngân hàng và để ra một khoản để xây nhà mới. Cuộc sống gia đình đã cải thiện hơn trước rất nhiều nên anh đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Được biết, trên địa bàn giờ đây không chỉ anh Thiền thoát khỏi cái nghèo, mà từ đầu năm 2023 đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Châu Sơn cũng đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết: Những năm qua, để người dân phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh đồi rừng, trong đó, cây trồng mũi nhọn là cây keo.
Ông Hạnh cho biết thêm, bên cạnh việc tuyên truyền người dân phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền xã còn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo thông qua các cuộc họp thôn và hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, bản. Nhờ đó, trong năm 2023, trên địa bàn xã đã có 10 hộ dân chủ động làm đơn xin thoát nghèo nên xã Châu Sơn đã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Có thể nói, với sự triển khai đồng bộ, hiệu quả từ các giải pháp nên công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đình Lập những năm qua đạt được kết quả tích cực. Kết thúc năm 2023, toàn huyện chỉ còn 267 hộ nghèo, chiếm 3,56% tổng số hộ dân, giảm 171 hộ so với năm 2022, vượt 55,4% kế hoạch đề ra.
Giờ đây, những lá đơn xin thoát nghèo trên địa bàn huyện Đình Lập ngày một nhiều hơn. Điều đó minh chứng cho những hướng đi đúng và trúng của chính quyền và người dân nơi đây. Đồng thời, những lá đơn đó cũng góp phần lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên thông điệp với giá trị tích cực. Và hơn hết, nó thể hiện sự ý chí của mỗi người dân, họ đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, để tự nỗ lực vươn lên trên chính mảnh đất của quê hương.