Chính trị

Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thành niên

Nguyên Thảo - Duy Tuấn 28/10/2023 11:08

Vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu niên không phải là hiện tượng mới. Song một số vụ việc mang tính chất nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây vẫn đang là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội cùng chung tay ngăn chặn.

dbqh.png
1.png

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công lý về vấn đề này.

PV: Bà đánh giá thế nào về tình trạng phạm tội ở người chưa thành niên hiện nay?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy: Vi phạm pháp luật ở độ tuổi vị thành niên không phải là hiện tượng mới. Song thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm lại là những thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ, tính chất và hành vi có biểu hiện ngày càng hung hãn, hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

PV: Theo bà, nguyên nhân nào khiến xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa và thủ đoạn thực hiện hành vi ngày càng nguy hiểm?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trẻ hóa tội phạm, gia tăng phạm tội ở người chưa thành niên, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự buông lỏng gia đình, sự thiếu quan tâm của nhà trường và ảnh hưởng của những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.

Gia đình có tác động rất lớn đến hành vi của trẻ. Khi trẻ sống trong môi trường mà cha mẹ không phải là những người mẫu mực, hành vi của cha mẹ thường ngày tác động đến tâm lý, thói quen của trẻ thì sẽ dẫn đến việc đứa trẻ có những suy nghĩ, hành động như cha mẹ.

Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, sự phát triển của internet và mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng tinh thần, cảm xúc, hành vi của trẻ vị thành niên, nhất là những thông tin xấu, độc đang ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên, dễ dàng đến đối tượng này, trong khi “đề kháng” của các em chưa đủ sức “chống lại” nên dẫn đến hành động lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật.

2.png

PV: Nhiều người cho rằng, để hạn chế tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên cần phải tăng hình phạt lên để răn đe, quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy: Theo tôi, tăng hình phạt để răn đe đối với trẻ vị thành niên chưa phải là giải pháp hiệu quả. Răn đe cũng là một giải pháp, nhưng không triệt để, mà giải pháp triệt để phải là giáo dục người chưa thành niên để họ không phạm tội mới là hiệu quả.

Giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với người chưa thành niên không phải bằng tăng hình phạt, mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho người chưa thành niên. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội, thì mới mong có sự chuyển biến tích cực và ổn định lâu dài.

PV: Theo bà, giải pháp cho tình trạng này là gì?

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy: Trước hết, cần phải đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Vai trò của gia đình có tính chất quyết định, sau đó mới đến nhà trường, xã hội. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu. Các bậc cha mẹ cần gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con em.

Giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần có sự phối hợp chặt nhằm tăng cường giáo dục toàn diện để trẻ hiểu biết pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội.

Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhà nước cũng cần thực thi tốt hơn nữa các quy định về Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng. Có giải pháp hiệu quả trong quản lý thông tin trên môi trường mạng, “dọn rác” trên mạng xã hội, tạo nên một môi trường trên mạng xã hội lành mạnh, trong sạch cho thanh thiếu niên tiếp cận và phát triển một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, nhiều người có tư duy mặc định công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên là nhiệm vụ riêng của ngành Công an. Tuy nhiên, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cũng cần nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong lứa tuổi có nguy cơ phạm tội; quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích, nhằm tạo điều kiện, môi trường tích cực, giúp thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nội dung: Nguyên Thảo - Duy Tuấn

Trình bày: Nguyên Thảo

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thnh niên