Cải cách tư pháp

Thực tiễn xét xử tại Tòa án đóng góp vào hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Mai Đỉnh 20/04/2023 14:52

Sáng 20/4, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến chuyên đề “Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII – Cơ sở chính trị quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất” bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí lãnh đạo, Thẩm tra viên, Thư ký viên các đơn vị thuộc TANDTC.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống Tòa án (TAQS các cấp, TAND cấp cao, TAND các tỉnh, thành phố, quận, huyện…), Học viện Tòa án; đại diện một số cơ quan Viện kiểm sát, Thi hành án tại địa phương.

hoi-nghi-dai-dai0.jpg
Đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC cho biết, Hội nghị lần thứ năm của BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. 

Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, Luật Đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống - xã hội; thiết kế các quy định pháp luật để điều chỉnh việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý là hết sức cần thiết.

Nghị quyết là cơ sở chính trị quan trọng chứa đựng nhiều nội dung mang tính nguyên tắc, định hướng. Thực tiễn giải quyết tại các Tòa án thời gian qua cho thấy 80% các vụ án hành chính liên quan tới lĩnh vực đất đai.

Đồng chí Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ phân tích tình huống pháp lý và áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp, các hành vi vi phạm, do đó việc nắm bắt nguồn gốc cơ sở chính trị pháp lý của mỗi quy phạm sẽ giúp nhận thức và áp dụng pháp luật đúng, thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án.

hoi-nghi-dai-dai1.jpg
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt những nội dung chính trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt những nội chính của "Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Cơ sở chính trị quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất".

Cụ thể: Những yêu cầu lớn đối với hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất nói chung, trong đó có sửa đổi Luật Đất đai 2013; Các định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, từ tên gọi, quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp; Những nội dung giới hạn trong phạm vi Nghị quyết số 18-NQ/TW…

Theo đó, đồng chí Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, những điểm mới, đột phá trong chủ trương của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong nội dung của Nghị quyết, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Nghị quyết đặt ra 3 yêu cầu lớn đối với việc sửa đổi Luật Đất đai 2013: (1) Nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; (2) Nâng cao vai trò của thị trường đối với quản lý và sử dụng đất; (3) Đảm bảo hài hòa trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nghị quyết cho biết, để làm được điều đó thì cần: Giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo về đất đai; Giảm tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, 3 yêu cầu lớn của Nghị quyết số 18-NQ/TW đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ cũng chính là yêu cầu phải xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và sử dụng đất.

hoi-nghi-dai-dai4.jpg
Các đại biểu tham gia Hội nghị tại điểm cầu trung tâm.

Việc thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và thống nhất, bảo đảm: Nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng. Vai trò của thị trường trong quản lý và sử dụng đất được nâng lên sẽ giúp cho đất đai được phân bổ hợp lý và hiệu quả hơn.

Tất cả những điều đó cùng với việc bảo đảm được hài hòa trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

hoi-nghi-dai-dai3.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Nghị quyết số 18-NQ/TW với những chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất cùng với sự quán triệt và thống nhất cao trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chắc chắn sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và có vai trò to lớn trong tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cảm ơn và đánh giá cao những nội dung đã truyền đạt của Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. Đồng thời cho biết, báo cáo viên đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của từng chính sách, chủ trương được nêu ra trong Nghị quyết này. Qua đó, hình thành tổng thể, mang tính chất nguyên lý khi cán bộ Tòa án tiếp cận những vấn đề mà Nghị quyết đã đề ra.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng khẳng định, với những nội dung đã thu hoạch được và kết hợp với những vấn đề mà cán bộ Tòa án phát hiện được trong thực tiễn thông qua công tác giải quyết xét xử, đây là những cơ sở, lý luận và thực tiễn giúp Tòa án đề xuất sửa đổi một số nội dung đối với Luật sửa đổi đất đai lần này, đóng góp chung vào hoạt động của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn xét xử tại Ta án đng gp vo hon thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)