Việt Nam đang triển khai mũi nhắc lại vaccine Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ b ng phát ln sng lây nhiễm mới. Song c khng ít người dân lo ngại về việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine Covid-19 sẽ c phản ứng phụ mạnh hơn các mũi trước đ.
Ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chúng ta đã tổ chức triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với các loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau.
"Việc triển khai đồng bộ và có được kết quả tiêm chủng mũi cơ bản vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam trong thời gian qua là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường mới", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo.
Tuy nhiên đến nay, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đang có xu hướng gia tăng.
Mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc Covid-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian
Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, đến nay lệ tiêm mũi nhắc 1 (mũi 3) ở người lớn chưa đạt mong muốn, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4) cho một số đối tượng theo hướng dẫn còn rất chậm mới được hơn 4,7 triệu liều do người dân hiểu lầm mũi bổ sung là mũi nhắc lại, cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.
Ngoài ra do tâm lý người dân đã mắc Covid-19 nên nghĩ đã đủ miễn dịch, dịch Covid-19 không còn gây nguy hiểm. Một số người cho rằng tiêm mũi 3, mũi 4 thì phản ứng phụ sẽ mạnh hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe nên không tiêm nhắc lại.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mỗi cá nhân sẽ có đáp ứng khác nhau với vaccine. Với vaccine phòng Covid-19, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt là tại các nước phát triển.
Theo đó, trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2. Ví dụ như vaccine Pfizer thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2.
"Đấy là những nghiên cứu bài bản và có công bố quốc tế thường xuyên, có kiểm tra giám sát. Do đó, người dân có thể yên tâm đi tiêm, Tôi phải nói rằng, không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều", GS Lân nói.
Chung quan điểm, TS Sorroco Escalante - Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho rằng, luôn luôn có tác dụng phụ khi tiêm vaccine, vaccine nào cũng thế. Tuy nhiên, hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm.
Nhưng kể cả có những biến cố, tác dụng phụ như thế, chúng ta vẫn thấy lợi ích cao hơn rủi ro và chúng ta có các dữ liệu bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn. Tất nhiên cũng có rất hiếm các trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung là lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều.
Theo bà, đối với mũi 3, mũi 4, khi chúng ta thực hiện tiêm vaccine, chúng ta đều có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi, các tác dụng phụ. Khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thì các bệnh viện, phòng khám đều sẵn sàng để có thể phát hiện cũng như đối phó với các trường hợp bị biến cố bất lợi, đặc biệt những biến cố nặng như sốc phản vệ…
Vaccine là thành tựu của y học, trước khi tiêm đã được nghiên cứu thí nghiệm, thậm chí khi đã tiêm vẫn được tiếp tục nghiên cứu. Trong vòng 2 năm qua hàng tỷ liều vaccine đã được sử dụng, được sự giám sát rất chặt chẽ của mỗi người dân, của các cơ quan y tế và của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Chúng tôi rất tin tưởng hệ thống y tế của Việt Nam bởi khi chúng ta có các biến cố bất lợi trong tiêm chủng thì chúng ta báo cáo đầy đủ. Đối với người dân, chúng ta cần phải giải thích cho họ rõ ràng rằng việc tiêm vaccine có biến cố bất lợi là hoàn toàn bình thường để họ hiểu. Đặc biệt, chúng ta phải giải thích rất rõ ràng đối với những trường hợp nặng. Việc có biến cố bất lợi của vaccine không phải là rào cản hay chỉ số để chúng ta không sử dụng vaccine", bà Sorroco Escalante nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại dịch chưa kết thúc. Một khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4-6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.
Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.