Gửi bình luận
Không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng, đương sự, bị cáo trong quá trình tham gia tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid - 19 bùng phát, xét xử trực tuyến còn góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tạo sự ổn định xã hội.
Đột phá lớn trong công tác xét xử
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức sáng 6/9/2023, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã thừa ủy quyền của Chánh án TANDTC trình bày báo cáo tóm tắt về công tác xây dựng pháp luật của TANDTC và kết quả việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đó, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử, nhất là trong bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, để đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, TANDTC đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Sự ra đời của Nghị quyết số 33 tạo ra một phương thức mới trong tổ chức công tác xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cam kết quốc tế; thể hiện việc thích ứng và bắt kịp các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Bởi vậy, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày /12/2021 để hướng dẫn thi hành Nghị quyết nói trên, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.
TANDTC cũng tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Nghị quyết số 33 trong toàn hệ thống Tòa án, trong đó nhiều hội nghị có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao kỹ năng cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, đảm bảo việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đạt hiệu quả cao.
Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, ngay sau khi Nghị quyết số 33 có hiệu lực pháp luật, TANDTC đã đề xuất và được Quốc hội bổ sung kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư dự án “Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến”, với mục tiêu xây dựng nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung để tạo ra các phòng xét xử trực tuyến kỹ thuật số và đầu tư trang thiết bị cho phòng xét xử trực tuyến của Tòa án các cấp.
Để sớm đưa Nghị quyết 33 vào thực tiễn, trong thời gian chưa được Quốc hội bố trí vốn đầu tư dự án, TANDTC đã chủ động chỉ đạo các Tòa án khắc phục khó khăn, sử dụng tối đa khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất tại các Tòa án; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương để tổ chức xét xử trực tuyến. Tại một số Tòa án, việc đầu tư điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã được chính quyền địa phương hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, như Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình…
Nhờ sự chủ động của TANDTC và sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, hàng ngàn phiên tòa xét xử trực tuyến đã được các Tòa án tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 5/9/2023, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.856 vụ án.
Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hình thức xét xử này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.
Nhiều trường hợp nhằm đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án (như vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em, người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa); tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân…
Điển hình như TAND cấp cao tại Đà Nẵng, trung bình một năm đơn vị tổ chức khoảng 40 hội đồng về các Tòa án địa phương để xét xử phúc thẩm, thời gian cho mỗi đoàn là 10- ngày. Chi phí cho mỗi đoàn từ 60 đến 100 triệu đồng (chưa tính chi phí áp giải tội phạm của cơ quan Công an), như vậy, trung bình một năm TAND cấp cao tại Đà Nẵng chi 3,2 tỷ đồng cho việc tổ chức hội đồng đi xét xử tại các Tòa án địa phương. Nhưng từ khi triển khai tổ chức xét xử trực tuyến đã giúp đơn vị tiết kiệm khoảng 50% chi phí, tương ứng 1,6 tỷ đồng/năm.
Theo tính toán, việc xét xử trực tuyến trên cả nước đến thời điểm này ước tính tiết kiệm được 47,64 tỷ đồng/ 9.856 vụ đã xét xử. Ngoài giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, còn giúp cho người dân giảm chi phí do không phải đi lại xa; giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông; giảm thiểu hao mòn tài sản; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo đảm sức khỏe và an toàn cho cán bộ thi hành công vụ; tiết kiệm toàn bộ chi phí áp giải phạm nhân đến tòa, bảo đảm an toàn trong việc áp giải phạm nhân và tránh một số tác động của xã hội.
“Kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép TAND tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hoạt động của các Tòa án; tuân thủ các cam kết quốc tế cũng như phù hợp với xu thế chung của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới. Việc chủ động triển khai thực hiện tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến tại các Tòa án trong thời gian qua đã giúp cho việc tổ chức công tác xét xử của Tòa án hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và người dân”, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho hay.
Tập trung chuyển đổi số để xây dựng Tòa án điện tử
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, để chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, thời gian qua TANDTC tổ chức nhiều đoàn công tác đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tổ chức xét xử trực tuyến tại một số quốc gia như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…thực tế cho thấy hầu hết các quốc gia này đã từng bước đơn giản hóa hoạt động xét xử.
Điển hình như Trung Quốc, từ năm 2017, 2018 lần lượt ở Tòa án Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu đều thực hiện xét xử trực tuyến hoàn toàn đối với các vụ án tranh chấp thương mại điện tử và các vụ án thuộc một số lĩnh vực dân sự.
Theo đó, Phòng xét xử trực tuyến có diện tích không lớn (khoảng 30-40 m2) chỉ dành cho Hội đồng xét xử, các thành phần khác tham gia phiên tòa thông qua nền tảng trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp Tòa án. Việc tổ chức xét xử trực tuyến theo mô hình mới đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc của Thẩm phán, qua đó giúp nâng cao tiến độ giải quyết vụ án; hoạt động xét xử được công khai minh bạch, thời gian, tiến trình giải quyết vụ án được rút ngắn; tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực cho người dân và xã hội.
Cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như Nghị quyết số 33 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, nhưng việc bố trí nguồn lực kinh phí thực hiện trang bị cơ sở vật chất để tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện.
Hay như theo quy định của pháp luật tố tụng, ngoài việc giải quyết các vụ án bằng các phiên tòa xét xử thì Tòa án còn có thẩm quyền giải quyết các việc dân sự hoặc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bằng các phiên họp. Đây là những vấn đề pháp lý không phức tạp, có thể áp dụng hình thức giải quyết bằng trực tuyến, nhưng theo quy định tại Nghị quyết số 33 thì hình thức xét xử trực tuyến mới chỉ được áp dụng cho việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án mà chưa được áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Từ đó, thay mặt Lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đề nghị cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ các án mà kể cả các phiên họp giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Đồng thời, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung, tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn cho cả việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai. Các cơ quan có liên quan cần tăng cường phối hợp với TANDTC trong việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến.
“Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27, đề nghị Quốc hội xem xét cho phép TANDTC nghiên cứu tổ chức triển khai thí điểm mô hình xét xử trực tuyến hoàn toàn một số vụ án dân sự tại 12 Tòa án ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử”, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du kiến nghị.
Trình bày về công tác xây dựng pháp luật của TANDTC từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết: TANDTC được Quốc hội giao xây dựng 3 luật (Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tư pháp người chưa thành niên; trong đó Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội thông qua, hai luật đang xây dựng và hoàn thành trong nhiệm kỳ) và 2 Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết về Thẩm phán và Nghị quyết về xét xử trực tuyến). TANDTC cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 pháp lệnh để thông qua; ban hành 30 án lệ, 3 thông tư của Chánh án TANDTC; 4 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; TANDTC cũng tham gia với các bộ, ngành thực hiện nhiều dự án luật, thông tư liên tịch.
Các văn bản pháp quy đều được TANDTC thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với chất lượng đảm bảo, đúng thời hạn, đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt.