TAND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) mới tổ chức phiên tòa xét xử công khai 3 vụ án hình sự sơ thẩm theo hình thức trực tuyến. Đây là phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên được đơn vị phối hợp với Công an, Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện.
Phiên tòa diễn ra vào ngày 20/7, điểm cầu trung tâm tại TAND huyện Như Xuân, điểm cầu thành phần là Nhà tạm giữ Công an huyện Như Xuân.
Vụ thứ nhất: Bị cáo Lê Thiện Quang (SN 2002, cư trú tại khu phố Trung Thành, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và bị cáo Lê Đức Quang (SN 2002, cư trú tại khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Như Xuân truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.
Vụ thứ hai: Bị cáo Hà Văn Phúc (SN 2001, cư trú tại thôn Tân Lập, xã Tân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Như Xuân truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm b khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự.
Vụ thứ ba: Bị cáo Nguyễn Văn Lượng (SN 1995, cư trú tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Như Xuân truy tố về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm b, đ khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Hình sự.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung các vụ án, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Lượng 36 tháng tù; Hà Văn Phúc 9 tháng tù; Riêng vụ án “cố ý gây thương tích” đối với các bị cáo Lê Thiện Quang, Lê Đức Quang được HĐXX tạm ngưng phiên toà để thu thập thêm tài liệu chứng cứ.
Ông Ngô Công Tuấn, Chánh án TAND huyện Như Xuân cho biết: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được thực hiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP. Đây là nhiệm vụ, giải pháp đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử.
Để thực hiện đơn vị đã lên kế hoạch từ trước, lựa chọn đưa ra xét xử những vụ án theo quy định, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ để các phiên tòa diễn ra thuận lợi cho tổ chức và cá nhân tham gia.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng TAND huyện Như Xuân đã tận dụng các thiết bị hiện có và phối hợp với đơn vị viễn thông, kết nối đường truyền cùng các cơ quan tố tụng cùng cấp tổ chức thành công phiên tòa.
Do đó, phiên tòa trực tuyến đã bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ… theo quy định của pháp luật.
Sau khi phiên tòa xét xử trực tuyến kết thúc, TAND huyện Như Xuân cũng đã tổ chức họp rút kinh nghiệm.