Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chống buôn lậu gia cầm, hiệu quả thấy rõ khi tình trạng buôn lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt, một số vụ việc nổi lên trong thời gian gần đây cũng đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Tình trạng buôn lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt
Ngày 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp liên ngành bàn về việc ngăn chặn tình trạng gia cầm giống lậu lại có xu hướng tràn vào nội địa do chênh lệch giá cả.
Để phát triển ngành chăn nuôi trong nước bền vững, nhiều cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn nhập lậu đã được tổ chức trong thời gian vừa qua. Các lực lượng chức năng đã làm rất sát vấn đề chống buôn lậu gia cầm, hiệu quả thấy rõ khi tình trạng buôn lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt, một số vụ việc nổi lên trong thời gian gần đây cũng đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Cụ thể, mới đây nhất, ngày 3/5, lực lượng quản lý thị trường Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn .000 con vịt giống không rõ nguồn gốc được thu gom ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) để chuẩn bị đưa về Hải Dương tập kết tiêu thụ. Trước đó, ngày /4, cũng tại thành phố Móng Cái, các đơn vị chức năng đã phối hợp bắt giữ một kho hàng có chứa hơn 10.000 con vịt giống tại khu 4, phường Hải Yên. Vào cuối tháng 4, thanh tra liên ngành tỉnh Hải Dương đã phát hiện xe tải chở hơn 10.000 con vịt giống 1 ngày tuổi không rõ nguồn gốc...
Tuy nhiên, lượng gia súc, gia cầm nhập lậu vẫn rất lớn. Diễn biến nhập lậu gia cầm vẫn phức tạp, kinh doanh con giống gia cầm nhập lậu công khai, nhưng chưa được kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến nêu ra 3 trụ cột quan trọng trong chăn nuôi đó là “chống buôn lậu, tăng cường xuất khẩu, rà soát nhập khẩu”. Nếu chăn nuôi không duy trì tăng trưởng thì rất khó thực hiện được theo đúng lộ trình mà các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Thời gian vừa qua, chúng ta đã làm rất sát vấn đề chống buôn lậu gia cầm, hiệu quả thấy rõ khi tình trạng buôn lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt, một số vụ việc nổi lên trong thời gian gần đây cũng đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: "Hàng năm là theo số liệu chúng tôi cập nhật được là, năm 2022 chúng ta nhập chính ngạch là 5.000 tấn, bên cạnh đó chúng tôi nắm được thông tin là có một lượng tương ứng như vậy nhập lậu là gà sống nhập lậu, nhập tiểu ngạch qua bên giới. Như vậy, tỉ lệ gà nhập vào nước ta so với tổng sản phẩm tiêu thụ thịt khoảng 20 - 25% là nhập cực lớn".
Đặc biệt, tình trạng kinh doanh, buôn bán giống gia cầm nhập lậu diễn ra công khai ở nhiều nơi chưa được kiểm soát, ngăn chặn.
Chuyên gia nhận định, không gian cho chăn nuôi Việt Nam vốn đã hẹp đang ngày càng bị thu hẹp. Bởi mật độ vật nuôi đang ở mức cao nhất thế giới, dẫn tới tổng cung vượt cầu rất lớn. Do đó nếu không có các giải pháp kiểm soát nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục bấp bênh.
Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, qua điều tra, cơ quan chức năng nắm được có tình trạng lợi dụng kẽ hở để nhập trứng gia cầm về Việt Nam.
Phối hợp cùng chống buôn lậu
Tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT Nguyễn Trường Sơn khẳng định, theo các văn bản pháp luật hiện hành, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm trong ngành nông nghiệp trước hết thuộc về Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). “Buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của sở NN-PTNT từng địa phương”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an ủng hộ đề xuất lập đoàn công tác liên ngành nông nghiệp - công an, để cùng ngăn chặn các đối tượng buôn lậu gia súc, gia cầm.
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng C05 cho biết, đơn vị này đã nắm thông tin có việc nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc về Việt Nam. Qua công tác điều tra, C05 cũng đã nắm tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới phía Bắc.
Với tuyến biên giới ở miền Trung và phía Nam, lãnh đạo C05 cũng cảnh báo tình trạng có một số người hám lợi trước mắt, sáng đưa chục con trâu bò từ Việt Nam sang bên kia biên giới chăn thả, nhưng đến chiều về thì thành ba bốn chục con.
Đại diện C05 đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các địa phương, để các địa phương giám sát chặt hơn với gia súc, gia cầm lậu. Các doanh nghiệp kinh doanh liên quan gia súc, gia cầm cũng nên có tiếng nói với Bộ NN-PTNT và Bộ Công an. "Ngoài công việc chúng tôi đang quyết liệt triển khai, cũng mong các doanh ngiệp chủ động thông báo tin tức", Đại tá Lê Thơm đề nghị.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay, giá thành chăn nuôi trong nước nhất là con giống vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, đây là cơ hội để các đối tượng buôn lậu gia tăng hoạt động qua các con đường tiểu ngạch. Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý tốt con giống, giá cả, đồng thời chú trọng việc tăng cường truyền thông cho người dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y cần phải vào cuộc quyết liệt hơn, nhất là thú y cơ sở bám sát tình hình, tuyên truyền để người dân nhận thức và hiểu được mức độ nguy hại của con giống kém chất lượng. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an như Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) kiểm tra, phát hiện đồng thời xử lý thật nghiêm các vụ vi phạm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chăn nuôi chủ động phối hợp thành lập tổ chống buôn lậu sản phẩm động vật trên cạn, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, giá thành… Bên cạnh đó, giao Cục Thú y nghiên cứu soạn thảo văn bản đề nghị các tỉnh, các Chi cục Chăn nuôi – Thú y kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập lậu, xử lý nghiêm cán bộ thú y cơ sở nếu vi phạm.
Đồng thời, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị C05, C03 thuộc Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho Bộ NN&PTNT thành lập tổ chống buôn lậu với quy chế, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng theo quy định của pháp luật.