Vấn đề quan tâm

Tinh gọn bộ máy: Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật

Việt An 08/01/2025 - 06:31

Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Hơn 5.000 văn bản cần sửa khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Theo Bộ Tư pháp, quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã tác động không nhỏ đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát có là 5.026 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy gồm: 160 luật, bộ luật; 8 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh; 2 nghị quyết của UBTVQH; 833 nghị định; 1 nghị quyết của Chính phủ; 287 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 3 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 3.722 văn bản cấp bộ.

bb657687-bc28-4fcf-8b1b-bd8039e374.jpeg
Theo Bộ Tư pháp cần bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được thông suốt, liên tục sau khi tinh gọn bộ máy

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là các nội dung, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đặc biệt, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới sau khi sắp xếp; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến hệ thống pháp luật khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh khoảng trống pháp luật, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật liên quan mà vẫn đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi.

Trong đề nghị xây dựng Nghị quyết, Bộ Tư pháp tập trung vào 2 chính sách. Một trong số này là “ban hành quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy”.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất quy định nội dung và nguyên tắc xử lý liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan nhận chuyên giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Việc xác định cơ quan thực hiện kiểm sát, giám sát sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy căn cứ vào nơi đặt trụ sở của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trụ sở tại địa bàn nào thì chịu sự kiểm sát, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn đó.

Việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa các cơ quan thuộc trường hợp hợp nhất, sáp nhập hoặc phối hợp với cơ quan thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động. Cơ quan được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện nội dung công việc đó.

Trường hợp sau khi cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc nhưng chưa sửa đổi ngay được văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy trình, trình tự, thủ tục đó thì cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết công việc quyết định điều chỉnh tạm thời quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc theo đúng nguyên tắc chuyên giao và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.

Bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ

Ngoài các nội dung trên, Bộ Tư pháp còn đề xuất quy định việc xử lý liên quan đến thay đổi tên của các cơ quan; thực hiện thủ tục hành chính; xử lý một số vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ban hành.

Riêng với chính sách 2, Bộ Tư pháp đề xuất lựa chọn 3 giải pháp thực hiện:

Xác định cụ thể trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan đề xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền: Đối với văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì phải ban hành để có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát, sửa đổi để phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp thì thời điểm thực hiện là sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hướng dẫn có trách nhiệm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Xác định cụ thể một một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy: Việc sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy; việc sử dụng các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in sẵn trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tiết kiệm, đúng quy định.

“Đây là những phương án tối ưu để bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xử lý kịp thời các nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được thông suốt, liên tục, thuận lợi, tiết kiệm chi phí”, theo Bộ Tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh gọn bộ máy: Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật