Đời sống

Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ!

Nhật Minh 01/05/2025 - 10:09

Dù các hoạt động kỷ niệm đã khép lại, nhưng tinh thần của ngày 30/4 lịch sử - tinh thần đoàn kết, khát vọng độc lập và hòa bình vẫn sẽ tiếp tục là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt hành trình phát triển của dân tộc.

den-voi-truong-sa.jpg
"Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ". Ảnh minh họa: Tác phẩm "Đến với Trường Sa" của tác giả Hà Hữu Đức

Câu thơ “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” (1971) của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, vang lên giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt như một khát vọng cháy bỏng về ngày đất nước hòa bình, non sông liền một dải.

Và chỉ 4 năm sau, vào ngày 30/4/1975, khát vọng ấy đã trở thành hiện thực. Khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cũng là lúc câu thơ hóa thành hình ảnh sống động. Vẻ đẹp của Tổ quốc không còn chỉ trong tưởng tượng của thi ca, mà hiện hữu trong niềm vui vỡ òa của cả dân tộc.

Năm 2025, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, câu thơ ấy lại như một lời khẳng định bất tử về hành trình đi tới hòa bình, về cái giá của độc lập, tự do và sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

2025-4-30-dieu-binh-30-4-2025-nghitruong_ruby.jpg
Nguồn: TTXVN

Tại thành phố Hồ Chí Minh - Trái tim của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hàng vạn người dân và du khách đã đổ về các địa điểm thiêng liêng như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Công viên Lịch sử Dân tộc... để tưởng nhớ và biết ơn các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân để hi sinh cho độc lập dân tộc. Nhiều trường học tổ chức cho học sinh “về nguồn” không chỉ để học lịch sử, mà để cảm nhận, để hiểu chân giá trị một điều rằng: Độc lập không phải món quà vô điều kiện, mà là thành quả của máu xương bao thế hệ.

c294eed2a59c4cc28d.jpg.jpg
Cụ ông Trần Văn Thanh (76 tuổi, sống tại TP Vinh, Nghệ An) tự lái xe máy vượt 1300km để vào TP.HCM tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Facebook

50 năm kể từ ngày non sông thu về một mối, cả nước đã sống lại không khí hào hùng qua nhiều hoạt động kỷ niệm trên quy mô lớn và đầy cảm xúc: Từ lễ mít-tinh cấp quốc gia; các cuộc triển lãm ảnh lịch sử; chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử; các hoạt động tri ân, thăm hỏi thương binh liệt sĩ, hành trình về nguồn, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên mang nhiều ý nghĩa…

Những hoạt động này không chỉ để khơi dậy lòng biết ơn, mà còn để nhắc nhở rằng lịch sử là nền tảng vững chắc để dựng xây tương lai; để nhắc nhớ mỗi người Việt, nhất là người trẻ, không quên rằng nền hòa bình này là cái giá của hàng triệu sinh mạng, của những người “đi không trở lại”, nỗi đau của người mẹ, nước mắt người vợ, của những hi sinh âm thầm nhưng bất tử.

img61-08430535.jpg
Tại Lễ kỷ niệm 30/4, Huỳnh Mạnh Phương có bài phát biểu gây xúc động, gói trọn tình cảm, lòng biết ơn và ý chí của những người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ số cuốn con người ta đi quá nhanh với thời cuộc, việc một thế hệ trẻ dừng lại để "thấy", để “nghe” quá khứ là điều rất đáng trân trọng. Bởi chỉ khi thấu hiểu giá trị của thống nhất, người ta mới biết trân trọng và quyết tâm gìn giữ hòa bình.

Một đất nước không thể chỉ sống bằng ký ức, nhưng không thể bước tới tương lai nếu quên đi quá khứ. Dư âm của Đại lễ 30/4 là cơ hội để mỗi người nhìn lại và tự soi mình: Chúng ta đã làm gì để xứng đáng với sự hi sinh của cha ông? Thế hệ trẻ hôm nay đang tiếp nối lý tưởng ấy như thế nào trong hành trình phát triển đất nước?

Tự hào không chỉ là cảm xúc, mà còn là động lực thôi thúc chúng ta sống tử tế hơn, sáng tạo hơn, không ngừng học hỏi, cống hiến. Đó là động lực để xây dựng một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn, công bằng hơn, văn minh hơn - một Tổ quốc mà ở đó mọi người dân được sống trong an toàn, được tôn trọng, được lắng nghe và được quyền mưu cầu hạnh phúc.

Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trong một hoạt động hưởng ứng tinh thần kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Dù các hoạt động kỷ niệm đã khép lại, nhưng tinh thần của ngày 30/4 lịch sử - tinh thần đoàn kết, khát vọng độc lập và hòa bình vẫn sẽ tiếp tục là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt hành trình phát triển của dân tộc. Giữa những đổi thay của thời đại, những giá trị cốt lõi như tình yêu quê hương, khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và niềm tin vào con đường đã chọn vẫn luôn bất biến.

30/4 mãi mãi là một mốc son chói lọi, một ký ức không thể phai mờ, một động lực để mỗi người Việt Nam hôm nay sống xứng đáng với những người đã ngã xuống, để mỗi chúng ta có thể tự hào nói rằng:

“Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ

Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”

Bởi hôm nay, chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và làm chủ vận mệnh của chính mình. Và hơn hết, chúng ta hiểu sâu sắc rằng: “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ quốc ti chưa đẹp thế bao giờ!