Do số tiền liên quan đến vụ án quá lớn, ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác nên HĐXX cần phải làm rõ với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.
Ngày mai (14/4), sau 5 ngày làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Rửa tiền”.
Theo HĐXX, do số tiền liên quan đến vụ án quá lớn, ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác nên cần phải làm rõ.
Bị cáo Lan đề nghị tòa buộc SCB liên đới bồi thường cho trái chủ
Trước đó, trong phần tranh luận bổ sung với VKS, bị cáo Lan một lần nữa đề nghị HĐXX tuyên rõ trong bản án về tài sản Ngân hàng SCB phải trả lại cho bị cáo cụ thể như thế nào.
Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mong muốn tòa yêu cầu ngân hàng xác định rõ 403.000 tỷ đồng bị cáo này cho mượn tái cơ cấu và số tiền 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cũng cần trả lại cho bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa.
Ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng mình không phải là người đưa ra chủ trương phát hành 25 gói trái phiếu chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các trái chủ.
Việc bị cáo cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu là muốn giúp SCB, không nhằm chiếm đoạt tiền. Bản thân bị cáo và Vạn Thịnh Phát không sử dụng số tiền này.
Bị cáo Lan nhận trách nhiệm về số tiền bồi thường cho trái chủ, song đề nghị HĐXX xem xét việc thu hồi số tiền là tang vật các đơn vị khác thụ hưởng, cũng như buộc SCB phải có trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả, vì số tiền phát hành này SCB đã sử dụng.
Về tội “Rửa tiền” với số tiền 4.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng chưa trừ đi tài sản của bị cáo, số tiền 287.000 tỷ đồng giai đoạn 2 cũng phải cấn trừ cho bị cáo.
Theo bị cáo Lan, số tiền quy buộc bị cáo phạm tội này cũng là số tiền bị cáo buộc tham ô và chiếm đoạt ở cả hai giai đoạn nên cần phải được cấn trừ đi giá trị tài sản của bị cáo đang bị kê biên. Các khoản tiền rút từ SCB ra là nhằm mục đích đảo nợ, tiền không ra khỏi ngân hàng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét bỏ tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” cho bị cáo. Trong quá trình tái cơ cấu, SCB cần một khoản tiền lớn nên đã phải tìm nhiều nguồn xoay xở, trong đó có đi vay nước ngoài.
Bị cáo Lan nói quá trình xét xử phúc thẩm mình không kêu oan, song đề nghị tòa xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo bị cáo Lan, bản án sơ thẩm chưa làm rõ bản chất hành vi và nhận thức chủ quan của bị cáo, cũng như đảm bảo tính xác thực của các số liệu quy buộc bị cáo chiếm đoạt, dẫn đến việc quy buộc bị cáo về 3 tội danh nêu trên.
Nhiều bị cáo xin xem xét giảm nhẹ hình phạt
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM nêu quan điểm, việc xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm về các tội danh nêu trong bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội, không oan sai.
Theo VKS, nếu bị cáo Lan không cho mượn các công ty của Vạn Thịnh Phát thì sẽ không thể phát hành được các gói trái phiếu. Bị cáo Lan cùng đồng phạm đã có thủ đoạn gian dối, đưa thông tin sai sự thật về việc mua trái phiếu khiến các trái chủ tin tưởng rồi mất khả năng làm chủ dòng tiền.
Do đó, hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ở hai tội danh còn lại, VKS cho rằng kháng cáo của bị cáo Lan không có căn cứ, đề nghị tòa bác. Một số yêu cầu khác của bị cáo Lan về số tiền cho SCB mượn tái cơ cấu, tiền tăng vốn điều lệ, thu hồi số tiền tang vật tại các tổ chức tín dụng khác...
VKS cho là không có căn cứ, hoặc đã được giải quyết trong bản án có hiệu lực ở giai đoạn một nên không xem xét.
Tuy nhiên, bị cáo Lan mong muốn được HĐXX xem xét lại để "giảm án sâu" cho mình để khích lệ tinh thần và có động lực cũng như tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho bị cáo trong việc khắc phục hậu quả vụ án.
Trong số 25 bị cáo khác kháng cáo (2 người rút kháng cáo) có Võ Tấn Hoàng Văn; Trần Thị Mỹ Dung... cho rằng bản án sơ thẩm đánh giá chưa đúng vai trò của mình, đề nghị HĐXX phúc thẩm đánh giá lại tính chất, mức độ của hành vi để phân hóa vai trò và giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Riêng bị cáo Chu Lập Cơ dù không kháng cáo nhưng vẫn được đề nghị xem xét giảm án vì sau phiên sơ thẩm vẫn tiếp tục dùng tài sản riêng khắc phục hậu quả vụ án.
Ngày 9/4, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban có trách nhiệm giúp Thủ tướng giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, đề xuất phương hướng, giải pháp về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, được sử dụng con dấu của Thủ tướng. Phó ban là Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
20 thành viên còn lại là lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh.