Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng, mẫu mực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trung Nguyễn 26/07/20 13:12

Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, trăn trở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

tbt.jpg

NGƯỜI "ĐỐT LÒ THAM NHŨNG"

Tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ngày 1/2/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký Quyết định số 162 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm 16 đồng chí, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng- đánh dấu bước ngoặt lớn công tác đấu tranh chống "giặc nội xâm" của Đảng, Nhà nước ta lúc bấy giờ.

Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 4/2/2013, Tổng Bí thư nêu rõ: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Phòng chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan chủ nghĩa cá nhân, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ...

phien-hop-thu-23-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-20230112170228.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đặc biệt, khi tái đắc cử Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên một "chiến dịch chống tham nhũng" rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể.

Chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư ví von: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Tại Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chống tham nhũng phải thành nếp. "Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!". Tổng Bí thư nhiều khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào"; "chống tham nhũng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược"...

Tại Họp báo bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để nói về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng: "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ: "Phải cắt bỏ một vài cành sâu, mọt để cứu cả cái cây". "Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng".

Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất đổi tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thay cho tên cũ. Việc bổ sung từ "tiêu cực" để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là không chỉ đấu tranh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ghi dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư khẳng định, đẩy mạnh đấu tranh tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân,

Một trong những điểm đột phá trong công cuộc chống tham nhũng thời gian gần đây là sự thành lập Ban Chỉ đạo tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh công tác đấu tranh tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Chỉ đạo Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tháng 6/2023, Tổng Bí thư khẳng định, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương nên hoạt động phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "thành lập cho có", "được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Đồng thời, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: "Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư lưu ý các đồng chí, thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, "không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào", dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung. Đồng thời khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.

KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ, PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TỪ SỚM, TỪ XA

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết thực tiễn phong phú chặng đường 10 năm từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban; rút ra những vấn đề ở tầm lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Theo PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đã nhận diện rõ hơn, sâu hơn về phạm vi của tham nhũng, tiêu cực; phân tích, chỉ ra mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực. So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực của người có chức, có quyền. Tiêu cực là môi trường nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Cái gốc, cái biểu hiện và nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tình trạng tham nhũng, tiêu cực được chỉ rõ, chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: Tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng “nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả”. Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tập trung vào đấu tranh với căn nguyên, gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực là tình trạng biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

bcd-pctn.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực đã đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước sang một giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa phòng và chống theo đúng tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đó không đơn thuần là mở rộng phạm vi cuộc đấu tranh mà thực chất là nâng tầm cuộc đấu tranh vừa toàn diện và đồng bộ, vừa đi vào chiều sâu, xác định đúng và trúng gốc rễ của tình trạng này.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết khẳng định: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu và thực tế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Bởi lẽ, đảng cầm quyền luôn có nguy cơ thoái hóa, biến chất; mà tham nhũng, tiêu cực “là khuyết tật bẩm sinh” đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Tham nhũng, tiêu cực làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; là thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước; đe dọa sự ổn định, phát triển đất nước, sự tồn vong của Đảng và của chế độ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc những người vi phạm tham nhũng, tiêu cực, cũng luôn trăn trở, đau xót, nhưng xác định rõ lập trường: nếu không kiên quyết xử lý thì ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ. Việc xử lý nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao như vừa qua là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng đó là việc phải làm, vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và trên hết, là vì ý nguyện của nhân dân, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra những bước tiến mới về nhận thức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Từ chỗ, trước đây chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất, thì hiện nay chúng ta quan tâm nhiều hơn đến tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tệ tham nhũng, tiêu cực; trước đây chỉ tập trung vào khu vực nhà nước, các hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước, thì nay mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước; gắn đấu tranh chống tham nhũng với chống lãng phí; gắn chống tham nhũng với chống tiêu cực, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân... Đặc biệt, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được chấn chỉnh, uốn nắn từ trong suy nghĩ, nhận thức đến hành động, từ đó được tiến hành sâu rộng, từ sớm, từ xa, cả “ngọn” lẫn “gốc”.

sach.jpeg
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; không đơn thuần là những con số vụ việc được phát hiện, xử lý. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà còn trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế.

Trong thực tế đời sống xã hội, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một phong trào, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân và xã hội. Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tổng Bí thư nêu rõ “Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công”.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân,... Khái quát nội dung này, Tổng Bí thư trích lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Về tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán: Kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; chủ động tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Làm nghiêm từ trên xuống dưới (đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở: phải tránh tình trạng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; tổ chức thực hiện phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, không “nhụt chí”, “chùn chân”, “mỏi gối”. Xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực…

PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà nhận định: Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đã toát lên tinh thần của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện thật nghiêm minh, đồng thời mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh, cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu nhiều người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực. Chống luôn phải đi đôi với xây. Không nhất thiết phải xử lý nhiều mới là tốt mà quan trọng là đấu tranh ngăn chặn/phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe...

Trong thực tế, thời gian qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương tay, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời, không làm oan sai; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Nhờ vậy, hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình cũng như hậu quả của những sai phạm ấy; tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đã đúc kết, rút ra những bài học rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Theo PGS. TS. Lê Văn Cường (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ; cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Muốn vậy, rất cần những tấm gương sáng, mẫu mực, suốt đời vì nước, vì dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các “nhóm lợi ích”, không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng, tinh thần và tấm gương mẫu mực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng, mẫu mực trong đấu tranh phng, chống tham nhũng, tiêu cực