Ngày 26/11/2003, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách tỉnh Cần Thơ, thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và thành lập tỉnh Hậu Giang, đây là bước ngoặt quan trọng đặt TP Cần Thơ đúng vai trò, vị trí là đô thị trung tâm động lực của vùng.
Đặt nền móng cho sự phát triển
Ngay sau khi thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01.01.2004) theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội, ngày 17/2/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 45). Đây là nghị quyết rất quan trọng, tạo tiền đề TP Cần Thơ xây dựng và phát triển nhanh hơn.
Nhớ lại thời điểm mới chia tách Cần Thơ và Hậu Giang để thành lập TP Cần Thơ, ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư lâm thời Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Được xem là “thủ phủ” của miền Tây nên cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ tại thời điểm mới chia tách tuy có nhỉnh hơn chút ít so với một số tỉnh trong vùng, đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, nếu so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác thì TP Cần Thơ còn rất nhiều khó khăn.
Không gian đô thị chỉ phát triển tại khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, kết nối giao thông với TPHCM “qua sông phải lụy 2 phà” là Cần Thơ và Mỹ Thuận, mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại đều chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa có đường hàng không.
Mặt khác, do bộ máy từ một đơn vị được chia tách thành 2 nên rất thiếu cán bộ và do phải thành lập thêm nhiều đơn vị nên cũng rất thiếu trang thiết bị, chỗ làm việc.
“Trong bối cảnh khó khăn đó, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính ra đời chính là “chiếc gậy thần” về thể chế để TP Cần Thơ tăng tốc đuổi kịp các thành phố trực thuộc Trung ương khác”, ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư lâm thời Thành ủy Cần Thơ nhận định.
Thực hiện Nghị quyết 45, Thành ủy – HĐND - UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án để cụ thể hóa, triển khai với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, xác định những nhiệm vụ cụ thể, những khâu đột phá, bước đi cho từng năm trong giai đoạn 2005 - 2020 và những năm tiếp theo.
Riêng trong nhiệm kỳ 20 - 2020, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 9 nghị quyết chuyên đề, tiếp tục chỉ đạo tập trung tạo thêm động lực để đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 45 đề ra.
Với nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân thành phố trong suốt năm thực hiện Nghị quyết 45, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển đề ra trong Nghị quyết 45; Kết luận số 17-KL/TW ngày 21/3/2012 của Bộ Chính trị; Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/9/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
Một số kết quả nổi bậc mà TP Cần Thơ đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 45 là: Bố trí đầu tư xây dựng một số công trình mới, quan trọng có tác dụng lan toả như: mở rộng và nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế; xây dựng cảng Cái Cui và cụm cảng Cần Thơ thành cảng trung tâm vùng, gắn với chỉnh trị luồng Định An...
Xây dựng các tuyến đường: Bốn Tổng - Một Ngàn, Mậu Thân - Trà Nóc, nối đường 91 với Nam sông Hậu, tuyến Quốc lộ 1A vòng cung - nối Quốc lộ 80, tuyến lộ Cần Thơ - Xà No - Vị Thanh, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91, xây dựng bờ kè sông Hậu và sông Cần Thơ (đoạn qua nội đô) để chống sạt lở và tạo cảnh quan cho thành phố.
Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành; thành lập Phân viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại Cần Thơ; nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học hiện có và xây dựng mới một số viện nghiên cứu chuyên ngành để phục vụ yêu cầu phát triển của vùng, như : kinh tế, công nghệ sinh học, các ngành công nghệ cao (cơ khí, hoá chất, công nghệ thông tin).
Xây dựng một số trung tâm y tế và bệnh viện chuyên sâu về ung bướu, phụ sản, tim mạch... phục vụ cho cả vùng.
Xây dựng khu trung tâm văn hóa đáp ứng yêu cầu là nơi giáo dục truyền thống, tổ chức lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí cho cả vùng và gìn giữ bản sắc văn hóa miền Tây Nam Bộ. Xây dựng trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia…
Theo ông Lê Nam Giới - nguyên Bí thư lâm thời Thành ủy Cần Thơ, địa phương đạt được kết quả nổi bật như trên là nhờ Nghị quyết 45 đã cho phép TP Cần Thơ áp dụng nhiều cơ chế đột phá như: nâng mặt bằng vốn đầu tư cho TP Cần Thơ tương ứng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác; Trung ương trực tiếp đầu tư các dự án lớn theo chương trình mục tiêu đồng thời cho phép bổ sung nguồn trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm của thành phố;
Ưu tiên dành vốn ODA để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố, như : hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, thiết bị y tế, giáo dục - đào tạo...
Trung ương cũng cho phép địa phương thực hiện phát hành trái phiếu đô thị để tạo vốn đầu tư một số công trình trọng điểm có khả năng thu hồi vốn; được sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị với phương thức phù hợp và quản lý chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết được vay từ các nguồn tài chính Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng thành phố theo quy định của pháp luật.
Đột phá từ Nghị quyết 59
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu, sau năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, diện mạo một đô thị trung tâm, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng hiện rõ.
Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm qua năm xây dựng, phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45. Đồng thời, Nghị quyết 59 cũng đưa ra định hướng phát triển nhanh, bền vững TP Cần Thơ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nếu như Nghị quyết 45 được xem là tiền đề, là nền móng thì Nghị quyết 59 chính là kiến trúc phần trên, xây dựng nên “hình vóc” đô thị Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại của vùng”, ông Phạm Văn Hiểu so sánh.
Kế thừa Nghị quyết 45, tại Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị cũng đã cho phép TP Cần Thơ áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý mạnh hơn cho địa phương để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư bên ngoài, tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.
Mục tiêu phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Nghị quyết 59 sẽ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị.
Ông Phạm Văn Hiểu cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết 59, TP Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này và cụ thể hóa bằng 20 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện. Trong đó có 6 nhiệm vụ do các bộ, ngành Trung ương chủ trì tổ chức thực hiện, đến nay có 2 nhiệm vụ đã thực hiện, 4 nhiệm vụ đang tổ chức thực hiện.
Trong 14 nhiệm vụ do UBND TP Cần Thơ chủ trì tổ chức thực hiện có 7 nhiệm vụ đã hoàn thành, có 7 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện. Đối với danh mục 19 dự án do địa phương thực hiện theo Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã cập nhật, triển khai cụ thể 25 dự án, trong đó có 10 dự án đang triển khai thực hiện, có 5 dự án đã có quyết định đầu tư, có 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, 2 dự án được tổ chức thực hiện sau năm 20.
Có 35 nhiệm vụ khác giao cho các sở, ngành thành phố, trong đó có 22 nhiệm vụ đã tổ chức thực hiện, 11 nhiệm vụ đang thực hiện, 2 nhiệm vụ đang được rà soát.
TP Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên trên 1.409 km², chiếm 3,49% diện tích toàn vùng ĐBSCL; là một trong 5 thành phố loại I, trực thuộc trung ương.
TP Cần Thơ có quy mô về diện tích, dân số đứng thứ 4 trong 5 thành phố loại I, trực thuộc Trung ương và là thành phố hiện đại, lớn nhất của cả vùng hạ lưu sông Mekong.
Bài 2: Chính quyền kiến tạo, trung tâm vùng đất 'chín rồng' bay cao