Để GRDP tăng trưởng trên 10%, TP. HCM áp dụng 2 công thức mới để giải quyết các công việc tồn đọng là 1-3-7 và 3-3.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Chỉ thị số 19 về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ: Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIV của Đảng cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cần phải chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.
Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu bộ máy hành chính duy trì kỷ luật nghiêm minh, tác phong chuyên nghiệp trong thực thi công vụ; các nhiệm vụ phải được xử lý dứt điểm, đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu chung, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi cố ý trì hoãn, đùn đẩy trách nhiệm.
Các cơ quan, đơn vị cần rà soát quy trình nội bộ, điều chỉnh theo hướng hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị phải đảm bảo nguyên tắc "đúng vai, thuộc bài," "trên dưới đồng lòng," và "dọc ngang thông suốt," tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đáng chú ý, năm nay, TP.HCM triển khai 2 công thức mới trong xử lý công việc là 1-3-7 và 3-3.
Công thức 1-3-7 áp dụng trong việc giải quyết xử lý hồ sơ tồn đọng, trong đó tiếp nhận, phân công cán bộ thực hiện trong 1 ngày, phối hợp xử lý trong 3 ngày và ấn định thời hạn hoàn thành mỗi công việc không quá 7 ngày.
Đối với các tổ công tác áp dụng công thức 3-3, bao gồm giải quyết sự việc họp không quá 3 lần, mỗi lần họp không cách nhau quá 3 tuần.
UBND TP.HCM giao các cơ quan, đơn vị chuẩn bị thật tốt để triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch chung TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Các chương trình, dự án trọng điểm cần được đẩy mạnh, bao gồm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển đường sắt đô thị và hạ tầng giao thông chiến lược, nghiên cứu và triển khai dự án đường ven biển, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, và các dự án Vành đai 2, 3, 4.
Một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với đề án chuyển đổi số, đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
Trong đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư triển khai các đề án huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, phấn đấu đạt ít nhất 600.000 tỷ đồng cho năm 2025.
Sở Nội vụ tiếp tục triển khai đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 20 - 2030; thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo lộ trình...
Năm 20, kinh tế TP.HCM tăng trưởng ước đạt 7,17%. Trong đó, quý 1 tăng 6,79%, quý 2 tăng 6,53%, quý 3 tăng 7,36% và quý 4 ước đạt 7,92%.
Ngày 2/1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp nghe báo cáo chuẩn bị tổ chức hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Cuộc họp đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM, do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban, với 29 thành viên khác là người đứng đầu các cơ quan có liên quan.