Nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều buổi hội thảo, hội nghị được tổ chức để tìm giải pháp, Chính phủ đã ban hành các quy định, nghị quyết nhằm đảm bảo phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững.
Nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều buổi hội thảo, hội nghị được tổ chức để tìm giải pháp, Chính phủ đã ban hành các quy định, nghị quyết nhằm đảm bảo phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững.
“Cú hích” chính sách gỡ khó cho thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ những năm 2000 và phát triển nhanh từ năm 2017-2021, trở thành một kênh huy động vốn rất hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản là tình trạng thiếu “dòng tiền”, thiếu “thanh khoản” nghiêm trọng.
Do đó, cần thiết bổ sung thêm một số giải pháp về tín dụng và về chuyển nhượng dự án; đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc “pháp lý” cho doanh nghiệp.
Mặc dù hành lang pháp lý luôn được sửa đổi, nhưng hiện vẫn trên đà “hoàn thiện” và còn những “lỗ hổng” pháp lý tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và an ninh, tài chính tiền tệ.
Trước những khó khăn của thị trường, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định để xây dựng khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đã quy định cơ chế xử lý trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn.
Có thể kể đến các Nghị định như Nghị định 3/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định 5/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 3/2020/NĐ-CP; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...
Đáng chú ý là những quy định trong Nghị định 65/2002/NĐ-CP được cho là khá hoàn chỉnh, giúp thị trường trái phiếu vận hành ổn định, bền vững và tăng tính minh bạch.
Những thay đổi chung của Nghị định 65/2002/NĐ-CP được đánh giá là cần thiết, khi yêu cầu chuẩn hóa lại điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, hướng đến nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức và đặc biệt siết lại tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sở hữu trái phiếu phát hành riêng lẻ… giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xoay xở vấn đề về trái phiếu, giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường…
Còn Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành nhằm giải quyết những điểm bất cập của Nghị định 65.
Đây được coi là những giải pháp tình thế để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói riêng.
Nghị định được đánh giá mang nhiều tính hỗ trợ, giúp cho cả nhà phát hành và trái chủ tìm được điểm chạm trên bàn đàm phán cùng nhau tháo gỡ vướng mắc.
Hành lang pháp lý đang trên đà “hoàn thiện” đã tác động rất tích cực đến tâm lý của của thị trường, tăng “niềm tin” cho các nhà đầu tư; đồng thời cho thấy sự lắng nghe, thấu hiểu và hành động phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ và các bộ ngành.
Khó khăn vẫn đang ở phía trước
Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn, nhiều Nghị định vẫn có những vướng mắc, tạo áp lực lên hoạt động của các doanh nghiệp trong việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu.
Chẳng hạn, Nghị định 65/2002/NĐ-CP sau khi có hiệu lực, trong tháng 10/2022 chỉ có một đợt phát hành thành công, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng suy giảm mạnh khi lượng phát hành giảm 25% so với cùng kỳ trong 10 tháng năm 2022. Chính Nghị định 65 siết chặt điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khiến ‘chợ’ trái phiếu chỉ còn người bán, mà hầu như không có người mua.
Trước thực tế trên, không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Nghị định 65/2002/NĐ-CP cũng là một trong những nguyên nhân gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Còn đối với Nghị định 08/2023/NĐ-CP, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ quy định cơ chế thương lượng thỏa thuận giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và “trái chủ”, đặc biệt là cơ chế hoán đổi trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là tình trạng thiếu “dòng tiền”, thiếu “thanh khoản” nghiêm trọng. Do đó, rất cần thiết bổ sung thêm một số giải pháp về tín dụng và về chuyển nhượng dự án; đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc “pháp lý” cho doanh nghiệp.
Việc “gỡ” khó cho trái phiếu chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, căn cơ, các chuyên gia đồng nhất quan điểm, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý để tăng thanh khoản và xếp hạng tín nhiệm; lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên cơ sở một thị trường trái phiếu minh bạch, rõ ràng, có trách nhiệm.