Chưa bao giờ các doanh nghiệp lại d ng đủ mọi thủ đoạn để lách thuế, trốn thuế, chiếm dụng vốn nh nước như hiện nay.
Trong khi đó, các chính sách thông thoáng của Nhà nước đã bộc lộ hàng loạt vấn đề nhưng chưa được xử lý triệt để…
Dù đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhưng vẫn thất thoát thuế
Trăm ngàn chiêu thức “quỵt” nộp thuế
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh, Nhà nước đã có nhiều cơ chế để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng cũng từ cơ chế, chính sách thông thoáng này không ít doanh nghiệp đã lợi dụng để trốn thuế, chiếm dụng vốn nhà nước. Có thể kể nhiều trường hợp:
Năm 2003, Công ty TNHH Hiệp Bình tại 258 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mở 5 bộ tờ khai nhập khẩu xe gắn máy tại Chi cục hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) và được hưởng ân hạn thuế nhập khẩu 30 ngày - một chính sách của Nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp nhập hàng hóa để sản xuất hay sản xuất hàng xuất khẩu thay vì phải nộp thuế nhập khẩu ngay trước khi nhận hàng thì được chậm nộp một thời gian, với mức tối đa lên đến 275 ngày.
Hết thời hạn quy định, Công ty Hiệp Bình vẫn chưa nộp thuế. Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã phải phối hợp với Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng và Ngân hàng Techcombank - nơi doanh nghiệp mở tài khoản, để thu đòi nợ thuế. Nhưng tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng trống rỗng, khiến phía Ngân hàng không thể trích nộp thuế theo quy định. Sau nhiều lần chuyển địa điểm kinh doanh, chủ doanh nghiệp Hiệp Bình đã bỏ trốn, bỏ lại khoản nợ thuế lên đến hơn 5,3 tỷ đồng.
Trường hợp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để trốn thuế, chiếm đoạt vốn của Nhà nước như trên không phải là hiếm. Một số đối tượng doanh nghiệp còn có hẳn “quy trình”, thủ đoạn để qua mặt cơ quan quản lý. Đó là thành lập doanh nghiệp “ma” để nhập khẩu hàng hóa; đến hạn nộp thuế, doanh nghiệp cố tình trây ì không thanh toán, thậm chí bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh để né khoản thuế lẽ ra phải nộp vào ngân sách. Hoặc các doanh nghiệp có chiêu là thường xuyên thay đổi địa chỉ doanh nghiệp nhưng không báo cho cơ quan hữu quan.
Không chỉ riêng chính sách ân hạn thuế, nhiều đối tượng doanh nghiệp còn tìm kẽ hở từ không ít các cơ chế, chính sách khác của Nhà nước để trục lợi, mà điển hình là thủ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài (FDI) nhằm nâng khống chi phí đầu vào, giảm thiểu doanh thu thực tế để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ít đi, gây ra tình trạng thua lỗ ảo kéo dài làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đáng lo ngại hơn, hiện nay, thủ thuật này không chỉ gói gọn trong phạm vi các doanh nghiệp FDI mà còn lan sang cả các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, các “chuyên gia” chuyển giá này thường thành lập từ 2, 3 công ty cùng một lúc. Việc kê khai doanh thu của đơn vị đều do chủ doanh nghiệp điều hành. Khi đó, doanh thu của từng công ty thành viên lên cao hay xuống thấp đều do chủ doanh nghiệp điều tiết nhằm giảm thu nhập chịu thuế hoặc lỗ. Thậm chí, có doanh nghiệp còn liên tục khai lỗ, báo lỗ kể từ khi thành lập nhưng vẫn hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Áp lực cho cơ quan quản lý
Việc doanh nghiệp “quỵt” tiền thuế không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra một áp lực rất lớn đối với các cấp quản lý. Trong khi đó, việc đòi nợ thuế của các cấp quản lý đang gặp phải nhiều vướng mắc, nhất là khi trong tay không có chế tài đủ mạnh để xử lý .
Báo cáo mới nhất của Cục Thuế Tp. Hà Nội cho thấy: dự kiến số nợ thuế, phí tính đến thời điểm ngày 31-12-2011 sẽ lên tới 3.682 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% tổng số thu ngân sách năm 2011. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi lên tới 430 tỷ, còn nợ chờ xử lý là 369 tỷ đồng. Số nợ khó đòi đều là do các doanh nghiệp bị khởi tố, hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, không có khả năng thanh toán...
Số liệu thống kê của Cục Hải quan Tp. Hà Nội cũng khiến nhiều người phải giật mình lo ngại khi tính đến tháng 6, cơ quan này đang phải quản lý số nợ lên tới 2.391,33 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội Phạm Trần Thành cho biết: việc thu hồi nợ thuế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi đa số các khoản nợ thuế còn tồn đọng phát sinh đã lâu, nhiều khoản rất khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, tự ngừng hoạt động… Có trường hợp người đứng tên chức danh giám đốc lại không phải là chủ doanh nghiệp mà chỉ là giám đốc thuê; hoặc một số chủ doanh nghiệp lĩnh án tù nên cũng không có khả năng nộp thuế.
Theo đại diện các cơ quan chức năng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp “xù” nợ thuế cũng như giải quyết việc nợ đọng thuế, nợ khó đòi, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Thuế, Hải quan, thì vấn đề tiên quyết là cần có sự thay đổi từ chính sách. Về lâu dài, những điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn trong các chính sách thuế cần phải có sự thay đổi.
“Chủ trương ưu đãi của chính sách ân hạn thuế vốn chủ yếu nhằm vào việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất và sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thì lại không kiêm nhiệm chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu. Sự ưu ái của chính sách ân hạn thuế hầu như rơi vào các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh xuất nhập khẩu. Tôi cho rằng nên bỏ chính sách ân hạn thuế” - ông Đào Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài cho biết.
Nhằm bịt lỗ hổng từ chính sách, thiết nghĩ Bộ Tài chính cần kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét cho sửa Luật Quản lý thuế, đồng thời cùng với những biện pháp khác của ngành Hải quan và các cơ quan thuế tìm cách khắc phục ngay những kẽ hở của Luật, có như vậy mới hạn chế việc thất thu thuế, nguồn thu nhập cực kỳ quan trọng của một nhà nước, quốc gia.
Anh Tùng