Phóng sự - Ghi chép

Truyền dạy chữ Thái để phát huy tinh hoa của dân tộc

Gia Ân-Đình Tuân 07/12/20 - 09:19

Với mong muốn biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình, thời gian qua, các chị, các bà người Thái ở xã Yên Hòa, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) ngày ngày đến nhà văn hóa bản để học chữ.

Huyện Tương Dương là địa phương có sáu dân tộc sinh sống gồm: Kinh, Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Poọng, Mông, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, phần lớn người đồng bào dân tộc Thái nơi đây chỉ biết nói tiếng Thái mà không biết viết, đọc tiếng mẹ đẻ.

3-1-.jpg
7-1-.jpg
Nghệ nhân ưu tú Vi Khăm Mun ân cần chỉ dẫn cho học viên.

Với mong muốn biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng các cụ cao niên bản Thái Xiềng Líp, xã Yên Hòa, huyện miền nui rẻo cao Tương Dương vẫn đều đặn ngày 2 buổi (buổi sáng và buổi tối) cùng nhau đi học chữ của dân tộc mình.

Nhờ vậy, mà gần một tháng nay, cứ vào buổi sáng và buổi tối các ngày trong tuần, Nhà văn hóa cộng đồng bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa luôn đông vui hơn, bởi, luôn rộn ràng tiếng nói cười của các học viên tham gia lớp học chữ Thái Lai Pao.

Lớp học càng trở nên sôi nổi, vui tươi hơn khi tiếng thầy đọc trước, học viên đồng thanh đọc theo sau. Lớp đuợc khai giảng giữa tháng 10 vừa qua. Lớp học có gần 40 học viên, học viên nhỏ tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 55 và lớn nhất là hơn 70 tuổi. Lớp học này thuộc Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4-1-.jpg
6-1-.jpg
Nhiều cụ tuổi đã khá cao nhưng vẫn chuyên cần đến lớp.

Theo như các cụ cao niên cho hay, chữ Lai Pao do người Thái sống dọc sông Nậm Nơn sáng tạo nên. Theo năm tháng, hệ chữ này đã bị lãng quên và có nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, những người yêu chữ Lai Pao đã và đang dày công nghiên cứu, sưu tầm và trao truyền cho hậu thế.

Người đứng lớp là Nghệ nhân ưu tú Vi Khăm Mun – dù đã gần 80 tuổi nhưng bao năm qua vẫn miệt mài với niềm đam mê chữ Thái. Ông còn là tác giả của nhiều công trình sưu tầm văn học dân gian của cộng đồng người Thái ở Tương Dương.

Ông Mun tâm sự: Với đồng bào dân tộc Thái thì gần như già trẻ, gái trai đều biết nói được chưc Thái, nhưng không biết đọc, không biết viết chữ của dân tộc mình. Đây là thực trạng đáng báo động.

Là một giáo viên nghỉ hưu, nên ông Mun vận dụng nghiệp vụ sư phạm vào truyền dạy chữ Thái. Ông đã tự mình nghiên cứu soạn tài liệu để giúp học viên dễ học, dễ nhớ.

“Học chữ Thái Lai Pao cũng khá khó, đối tượng học của lớp này lại chủ yếu là người cao tuổi, nên ngoài biên soạn tài liệu giảng dạy phải ngắn gọn xúc tích, thì khi lên lớp tôi luôn tạo không khi vui tươi, sôi nổi để không gây áp lực cho người học và kích thích sự ham học của học viên”. Ông Mun cho biết.

Là người Thái nhưng bà Lương Thị Liên (SN 1945), ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa không biết viết, đọc. Bà Liên chia sẻ: “Tôi cũng đã nhiều tuổi rồi, nhưng khi biết tin có lớp học chữ Thái Lai Pao, tôi liền đăng ký theo học. Đến lớp, vừa được học chữ vừa được gặp gỡ, chuyện trò với các bà trong bản nên cảm thấy rất vui. Khi chúng tôi đã làm quen với chữ cái, thì thầy Mun dạy cách phiên âm, ghép chữ và chuyển ngữ”.

Được biết, học viết, đọc chữ Thái Lai Pao cần sự kiên trì, đam mê bởi cách phát âm và ghép vần khác nhiều so với tiếng phổ thông. Nếu không học thuộc và ghi nhớ chữ cái thì không thể ghép vần và đọc.

Ông Lương Minh Tuấn (Sinh năm 1957), cũng đang theo học lớp chữ Thái, tâm sự: “Từ ngày khai giảng lớp đến giờ tôi chưa nghỉ buổi nào. Càng học càng thấy thích, càng thấy thú vị. Do đã lớn tuổi, nên việc học chữ tương đối khó.

Cách phát âm và ghép vần chữ Thái khác nhiều so với tiếng phổ thông. Rồi lâu ngày cầm bút cũng mỏi và đau tay lắm. Nhưng được thầy Mun chỉ dạy tận tình, tôi cố gắng học, biết viết chữ và đọc chữ của dân tộc mình, làm gương cho con cháu”.

8-1-.jpg
1-1-.jpg
Các cụ ông, cụ bà người Thái bản Xiềng Líp, Yên Hòa trên đường đến lớp.

Một trong những yếu tố quan trọng là góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, là tiếng nói và chữ viết. Trong xã hội hiện đại, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS nói chung và của đồng bào dân tộc Thái nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Việc truyền dạy chữ viết dân tộc Thái, không đơn thuần là học viết, học đọc, mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thiết nghĩ, những lớp học chữ Thái cần được quan tâm nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền dạy chữ Thái để phát huy tinh hoa của dân tộc