Văn hóa - Du lịch

Tục “slan phằn” của người Tày Cao Bằng

Nguyễn Liên- Trung Nguyên 31/03/2025 - 22:07

Một năm chỉ có một lần, dù ai làm gì ở đâu, đến ngày 3/3 (Âm lịch) hàng năm cũng sẽ về với gia đình để báo hiếu tổ tiên, cha mẹ.

Ngày 3/3 âm lịch hàng năm được coi là Tết Thanh minh, Tết tảo mộ của người Tày, Nùng Cao Bằng, nó gắn liền với đạo đức, với bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, của những tiền nhân đã khuất.

Theo tiếng địa phương tảo mộ có nghĩa là “slan mạ” hay “slan phằn” là việc con cháu duy trì truyền thống ngàn đời nay.

Theo các cụ cao niên tại Trùng Khánh- Cao Bằng chia sẻ: “Từ thời Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận Tết Hàn thực, nhưng ý nghĩa của ngày Tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày Tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội (hàn thực)”.

nguoi-tay-cao-bang-12-.jpg
Hình ảnh các gia đình thăm viếng, hương khói, cúng lễ bên phần mộ tổ tiên trong Tết Thanh minh đã tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ người Tày, Nùng ở Cao Bằng giữ gìn và phát huy.
Tục “Slan phằn” của người Tày Cao Bằng rất độc đáo. Theo quan niệm người dân nơi đây, ngày 3/3 dù ai làm gì ở đâu cũng về quây quần bên tổ tiên, gia đình.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành một ngày lễ quan trọng, thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Với người Tày, Nùng thì Tết Thanh minh dường như độc đáo hơn vì gắn với nét văn hóa truyền thống của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.

Theo ước lệ, tiết thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 20/4 dương lịch (khoảng tháng 3 âm lịch, tháng 2 nhuận). Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, vào dịp Tết Thanh minh nhà nhà đều sắm sửa đồ lễ, gồm: xôi ngũ sắc, thịt gà, thịt lợn, măng vầu hấp thịt, cá rán, bánh kẹo, rượu, tiền vàng mã, hương nến..., mang ra mộ tổ tiên để làm lễ. Nét độc đáo mâm lễ là xôi ngũ sắc có 5 màu chính: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng tượng trưng cho Âm – Dương – Ngũ – Hành – Kim.

Vào ngày này, những khu nghĩa trang, những phần mộ của những người đã khuất nghi ngút khói hương, các mâm cỗ đa dạng đồ lễ để cúng tổ tiên. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ và vun đắp lên đất mới, đó là tâm đức của những người đang sống với người đã khuất.

Độc đáo 66 mâm lễ cúng tổ tiên tại Lễ Thanh minh của người Tày ở Giộc Sâu, Ngọc Khê, Trùng Khánh, Cao Bằng.

Người Tày, Nùng cho rằng có thể Tết nguyên đán không về quê nhà được nhưng không thể vắng mặt trong ngày Tết tảo mộ. Tết tảo mộ năm nay cũng vậy, ở Cao Bằng đâu đâu cũng thấy người ngược xuôi đi tảo mộ. Khắp các sườn núi, khu đồi nơi cư ngự của những khu mộ rực rỡ những cây nêu đủ sắc màu ẩn hiện trong làn khói hương nghi ngút. Người sống quan niệm, khi đốt cháy tuần hương và vàng mã coi như người âm đã nhận đủ lễ vật mà người dương muốn gửi. Khi ngôi mộ được dựng một cây nêu báo hiếu, người thân có thể bày mâm ăn uống hoặc thu lộc mang về nhà.

Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, cội nguồn dân tộc. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, Tết Thanh minh còn là dịp để con cháu, dòng họ được đoàn tụ sum họp.

nguoi-tay-cao-bang-4-.jpg
Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", “slan mạ” dịp Thanh minh trở thành ngày tết quan trọng trong đời sống tâm linh.
nguoi-tay-cao-bang-2-.jpg
Tết Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những tiền nhân đã khuất.

Lên Cao Bằng, Bắc Kạn vào những ngày này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh từng đoàn người gồng gánh tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ trên các sườn đồi. Bà con thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó mới kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên.

Ban đầu, chỉ có người Tày, Nùng tổ chức Tết Thanh minh, sau dần, người Kinh ở dưới xuôi lên Cao Bằng sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa tục lệ này cũng hưởng ứng, tổ chức Tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như bà con người dân tộc ở đây.

nguoi-tay-cao-bang-5-.jpg
Năm nào cũng vậy, từ sáng sớm ngày Tết Thanh minh, dòng xe, dòng người trên các ngả đường về các huyện miền Đông, như Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh... đông như ngày hội.
nguoi-tay-cao-bang-6-.jpg
Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, cá rán, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu..., trong đó một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen).

Để ăn Tết, thông thường ngoài chuẩn bị rượu, thịt, đồng bào còn làm các loại bánh. Tết Thanh minh của đồng bào Tày, Nùng không ăn bánh trôi, bánh chay như người Kinh, món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết này là món xôi "đăm đeng".

Xôi "đăm đeng" tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, trắng, vàng. Xôi được nhuộm bằng lá cẩm, lá cây sau sau, nghệ, gấc… nên màu sắc rất đẹp mắt, ăn ngon và rất an toàn. Ngoài ra, Tết Thanh minh còn nhiều món khác như thịt gà, măng kẹp thịt, đậu phồng nhồi thịt, cá rán...

Tết Thanh minh cũng là ngày anh chị em, họ hàng gặp gỡ đông đủ nhất vì đây là dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, dòng tộc. Cũng trong ngày này, đối với những ngôi mộ vô chủ, nếu nằm gần khu vực có mồ mả của người làng, cũng được những người đi tảo mộ thắp hương và đốt vàng mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tục “slan phằn” của người Ty Cao Bằng