Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan phối hợp xác định tính chính xác của số liệu quyết toán, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định.
Tiếp tục Phiên họp thứ 33, chiều /5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Thu ngân sách vượt 28%
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm về thời gian gửi quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban TCNS cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu quyết toán khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính Phủ trong điều kiện tình hình kinh tế chính trị thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước nền kinh tế phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng thu ngân sách vượt cao so với dự toán (vượt 28%); tỷ trọng thu nội địa đạt 79,5% tổng số thu NSNN.
Các nhiệm vụ thu chủ yếu đều vượt khá cao so với dự toán; chi ngân sách cơ bản đảm bảo nhiệm vụ của nhà nước; chi thường xuyên bằng 59% tổng chi NSNN; bội chi NSNN thấp hơn dự toán Quốc hội giao; nợ công trong giới hạn cho phép; kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến; thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước có nhiều tiến bộ.
Các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết 91 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2021 đã được Chính phủ tổ chức thực hiện, nhiều nội dung đạt kết quả tích cực. Thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội đã khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp cho nhiều người nộp thuế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách
Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý điều hành sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục.
Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý như: lập, gửi báo cáo quyết toán chậm, một số địa phương phê chuẩn quyết toán chậm, chưa điều chỉnh theo số liệu của Kiểm toán nhà nước; ước thực hiện thu chi và lập dự toán không sát kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quản lý, điều hành NSNN; quản lý thu của cơ quan thuế còn bất cập; giải ngân vốn đầu tư công, vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, dân số của ngân sách trung ương đạt thấp; còn tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí; còn những khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi…
Đối với các nội dung về số liệu quyết toán thu chi tài chính, Ủy ban TCNS đang đề nghị Chính phủ, Kiểm toán nhà nước làm rõ, bổ sung thông tin, quan điểm xử lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban TCNS chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước rà soát để thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xác định tính chính xác của số liệu quyết toán, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định; lưu ý rà soát số liệu tăng thu NSNN năm 2022 để xử lý theo đúng quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát báo cáo bổ sung các nội dung, số liệu Ủy ban TCNS đề nghị làm rõ, cung cấp thêm thông tin để hoàn thiện Báo cáo quyết toán NSNN; số liệu quyết toán; xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Trong đó, nêu bật kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyết toán ngân sách nhà nước, gửi Ủy ban TCNS thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.