Chính trị

UBTVQH cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Duy Tuấn 13/06/20 - 17:59

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, chiều 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Tham dự Phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Dương Văn Thăng, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Huy Tiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn; cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng.

ta1.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo tóm tắt "Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)".

Sau đó, các Ủy viên Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.

Trước đó, ngày 28/5, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

ta2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo

Tại phiên thảo luận, đã có 39 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 9 lượt ý kiến tranh luận, các ý kiến cơ bản đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đồng thời cho rằng, các tài liệu đã được chuẩn bị kỹ, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của TAND.

ta3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như quy định TAND thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các TAND; về TAND sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của Thẩm phán và nhiều nội dung quan trọng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)