Nhận lời mời của Bộ Tư pháp Cộng ha Liên bang Đức v Ta Phá án Cộng ha Pháp, mới đây, đồng chí Nguyễn Ha Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Chánh án TANDTC dẫn đầu đon đại biểu cấp cao TANDTC thăm Cộng ha Liên bang Đức từ ngy 29/6 đến ngy 3/7, Cộng ha Pháp từ ngy 4 đến ngy 9/7/2022.
Mục đích chuyến thăm tại Đức và Pháp là tìm hiểu một số chủ đề trong cải cách tư pháp hiện nay là chế định nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử; tư pháp vị thành niên; tổ chức toà án và đào tạo tư pháp.
Theo đó, tại Đức, đoàn đã thăm và làm việc với Toà án Tư pháp Tối cao Liên bang, Bộ Tư pháp, Tổng thư ký Mạng lưới thẩm phán không chuyên Châu Âu, Toà hình sự Berlin và Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức.
Tại các buổi làm việc, đoàn đã trao đổi, tìm hiểu về mô hình thẩm phán không chuyên, cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án liên bang và tiểu bang, sự độc lập của thẩm phán trong xét xử.
Đặc biệt, đoàn đã nghe các chuyên gia pháp luật Đức trình bày sâu về hệ thống tư pháp vị thành niên. Đây là một hệ thống có từ lâu, liên tục được cập nhật, cải tiến, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Dựa vào những nghiên cứu khoa học mới nhất, hệ thống tư pháp vị thành niên Đức định hướng phát triển theo hướng từ truy cứu hình sự nếu có thể, tăng cường áp dụng xử lý chuyển hướng; tránh cho trẻ vi phạm pháp luật phải căng thẳng; nếu truy cứu trẻ vị thành niên, phải có luật sư; việc bắt, tạm giam, phạt tù vị thành niên được thực hiện rất chặt chẽ, chỉ tiến hành nếu không có biện pháp nào khác; việc giáo dục trẻ vị thành niên phạm pháp là nhằm giúp họ không tái phạm; người áp dụng pháp luật phải có hiểu biết đặc biệt liên quan đến vị thành niên.
Trong buổi làm việc chiều ngày 29/6, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vũ Quang Minh và tập thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức đã báo cáo về tình hình hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực luật pháp, an ninh chính trị, thương mại, đầu tư, khoa học giáo dục, quân sự. Nhìn chung, quan hệ ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt, quan hệ thương mại ngày càng được đẩy mạnh. Đức là một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đang có khuynh hướng chuyển dịch bớt những nhà máy sản xuất của mình hiện đóng tại Trung Quốc sang Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác. Quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước rất hiệu quả, ổn định. Hợp tác quốc phòng có triển vọng phát triển trong thời gian tới. Cộng đồng người gốc Việt tại Đức làm ăn, sinh sống ổn định, có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Sau chuyến thăm Cộng hoà Liên bang Đức, đoàn đã thăm và làm việc với Toà Phá án, Bộ Tư pháp và các vụ chức năng, Toà án sơ thẩm Paris, Trường đào tạo thẩm phán quốc gia và Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp.
Tại đây, ông Christophe Soulard, Chánh án Toà Phá án Cộng hoà Pháp điểm lại kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2013 và chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2022. Ông cho rằng thành quả hợp tác có được là dựa vào nỗ lực và cam kết của cả hai phía, cũng như sự giúp đỡ tích cực của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Chánh án Pháp hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới qua việc thúc đẩy hợp tác, trao đổi giữa các thẩm phán không chỉ ở tầm quốc gia, mà ở tầm khu vực và quốc tế. Toà Phá án quan tâm đến các lĩnh vực phát triển án lệ, giao tiếp với người dân và đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc kề cận với thẩm phán.
Cũng tại buổi làm việc Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn ông Christophe Soulard, Chánh án Toà Phá án Cộng hoà Pháp đã dành thời gian đón tiếp, đồng thời, chúc mừng Chánh án Pháp được bổ nhiệm và hy vọng rằng trong cương vị mới, Chánh án Pháp sẽ có những đóng góp tích cực cho đất nước, nhân dân Pháp và phát triển quan hệ hợp tác với hệ thống Toà án Việt Nam.
Về định hướng hợp tác trong những năm tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông báo sơ bộ về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam, những lĩnh vực ưu tiên phía Việt Nam quan tâm, bao gồm: Cải cách hệ thống tổ chức toà án; tư pháp vị thành niên; đào tạo thẩm phán và cán bộ toà án.
Bên cạnh đó, Chánh án cũng đề nghị cử Thẩm phán, chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm tham gia giảng dạy trong các buổi tập huấn, đào tạo cho các thẩm phán Việt Nam trên qui mô toàn quốc thông qua công nghệ hội nghị từ xa và trân trọng mời ông Christophe Soulard, Chánh án Toà Phá án Cộng hoà Pháp sắp xếp thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao
Cũng nhân dịp chuyến thăm tại Pháp, ông Eric Dupont-Moretti, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Pháp đã chào mừng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác hàng đầu của Pháp. Đồng thời, việc Việt Nam tham gia một số công ước quốc tế về bảo vệ trẻ em giúp Pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến công dân Pháp và Pháp mong muốn hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực luật pháp cho Việt Nam.
Đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã điểm lại kết quả hợp tác pháp luật giữa hai nước trong thời gian qua, cảm ơn sự giúp đỡ của Pháp dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật và đào tạo pháp lý. Đồng thời, cho biết mục tiêu của chuyến thăm là tìm hiểu thông tin xây dựng chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, và xây dựng luật tư pháp vị thành niên của Việt Nam, mong muốn phía Pháp hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ này bằng cách giúp dịch Bộ luật hình sự người chưa thành niên mà Pháp mới ban hành tháng 9/2021, tổ chức các hội thảo chung về luật này và mời các chuyên gia Pháp sang làm việc tại Việt Nam. Các lĩnh vực quan tâm khác là kinh nghiệm của Pháp trong tổ chức lại bộ máy Toà án, bao gồm việc thành lập các toà án chuyên biệt, toà án xuyên vùng… và hợp tác đào tạo thẩm phán và cán bộ toà án. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Tư pháp Cộng hoà Pháp cử chuyên gia tham gia giảng dạy qua hình thức đào tạo từ xa cho các thẩm phán và cán bộ Toà án Việt Nam.
Cũng trong chuyến thăm Cộng hoà Pháp, Giám đốc Học viện Toà án của TANDTC Việt Nam và Giám đốc Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp ký kết Biên bản ghi nhớ, có thời hạn năm năm, theo đó hai bên cùng nhau thực hiện các hoạt động hợp tác trong đào tạo thẩm phán, đào tạo giảng viên, trao đổi thẩm phán, trao đổi chuyên gia và giảng viên.
Được biết, năm 2019, hệ thống Toà án Pháp tiến hành cải cách lớn về tổ chức, theo hướng tinh gọn bộ máy (giảm số lượng, nâng cao chất lượng) mà vẫn bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân. Đối với cấp sơ thẩm, nguyên tắc chung là mỗi tỉnh chỉ có 01 Toà án sơ thẩm (có ngoại lệ). Trên toàn quốc, Pháp đã sáp nhập về mặt tổ chức các Toà án sơ thẩm cấp quận thành Toà sơ thẩm. Tổng cộng, đã xoá bỏ 285 Toà án sơ thẩm cấp quận. Tại Paris, sáp nhập 20 Toà sơ thẩm cấp quận trước đây thành Toà sơ thẩm Paris hiện nay.
Cộng hoà Pháp đang tìm cách chuyên môn hoá một số toà ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Mặc dù nguyên tắc chung là các Toà án xét xử theo phạm vi địa lý, nhưng cũng có những toà án địa phương được giao thẩm quyền xét xử tranh chấp xẩy ra tại địa phương khác khi cần thiết đối với những loại vụ việc số lượng ít và không phức tạp đến mức cần phải chuyển lên toà án cấp trên giải quyết (tội phạm kinh tế, tội phạm tài chính có tổ chức…)
Bộ luật tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên mới của Pháp có hiệu lực từ 30/12/2021. So với trước đây, Bộ luật cải cách qui trình xử lý bằng cách bỏ bớt các bước, rút ngắn thời gian tố tụng, tăng cường các biện pháp giáo dục người chưa thành niên, giảm thiểu số lượng người vị thành niên bị bắt tạm giam trước khi xét xử. Bộ luật vẫn giữ các nguyên tắc cơ bản trước đây, bao gồm ưu tiên giáo dục hơn so với trừng phạt, giảm nhẹ hình phạt cho người chưa thành niên so với người trưởng thành, trẻ em dưới 13 tuổi không có khả năng nhận thức được hậu quả của hành vi của mình và do vậy, công tố viên không áp dụng các biện pháp hình sự. Luật qui định công tố viên có thẩm quyền tuỳ nghi truy tố.
Trong trường hợp phải xét xử, quá trình tố tụng gồm ba bước. Bước thứ nhất, toà án mở phiên toà để xác định tội danh trong vòng từ 10 ngày đến 3 tháng. Trong phiên toà này, hội đồng xét xử tuyên tội danh, thời gian thử thách và các biện pháp chuyển hướng được áp dụng trong vòng từ 6-9 tháng. Bước thứ hai, áp dụng các biện pháp chuyển hướng và đánh giá của các tổ chức xã hội. Bước thứ ba là phiên toà xác định hình phạt, căn cứ vào hành vi phạm tội và kết quả thực hiện các biện pháp thử thách. Nếu kết quả tốt, thì không phải chấp hành hình phạt; nếu không, thì phải chịu hình phạt.
Trong thời gian vừa qua, công tố viên thụ lý 1,500,000 vụ việc, 47% dùng biện pháp chuyển hướng, 53% truy tố. Trong số 130,000 người chưa thành niên bị xử lý, 63% áp dụng biện pháp chuyển hướng, 37% truy tố. Tỷ lệ người chưa thành niên bị truy tố mà không tái phạm là 60%. Nhìn chung, thời hạn xét xử được tuân thủ. Về lâu dài, cần có phần mềm chuyên biệt lưu giữ thông tin và giải quyết vấn đề cân bằng giữa hai nhiệm vụ của thẩm phán là hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị bạo hành và xét xử, quản lý trẻ em phạm tội.
Một số hình ảnh trong khuôn khổ chuyến công tác vừa qua của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ chính trị, Chánh án TANDTC: