Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần có cách tiếp cận khách quan, công bằng hơn trong việc đấu thầu vàng, nhằm đạt được hiệu quả thực sự của hoạt động này, để nhanh chóng ổn định lại thị trường vàng trong nước.
Trong diễn biến bất ổn của thị trường vàng trong nước thời gian qua, khi giá vàng tăng phi mã, bất chấp lên xuống của quy luật thị trường và những biến động thế giới mang tính chi phối kim loại quý này, thì việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp đấu thầu vàng miếng được xem là một trong những động thái tích cực, nhằm kéo giảm giá vàng, ổn định lại thị trường vàng trong nước.
Tuy nhiên, liên tiếp 4 phiên đấu thầu vàng gần đây của Ngân hàng Nhà nước thì có đến 3 phiên bị hủy và 1 phiên “ế ẩm”. Trong bối cảnh thị trường vàng thiếu nguồn cung, thì các phiên đấu thầu vàng vẫn không thành công. Đặc biệt, sau mỗi phiên đấu giá bị hủy, giá vàng lại lập tức tăng, tăng bất chấp, khiến cho thị trường vàng lại một phen chao đảo.
Đấu thầu vàng không thành công điều đồng nghĩa với việc người mua vàng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi, bản chất của kinh doanh vàng là khi có biến động bất ổn thì chênh lệnh mua-bán được nới rộng, có khi lên tới 2-3 triệu/lượng. Cho nên, càng bất ổn thì người tiêu dùng càng thiệt. Còn với người kinh doanh vàng thì ngoài số lượng vàng mua được qua đấu thầu, họ vẫn còn lượng vàng có sẵn và cả lượng vàng mua được trên thị trường.
Trước nghịch lý này, dư luận không ít người đặt câu hỏi, vậy thì việc đấu thầu vàng thực sự có khả thi? Có nên tiếp tục đấu thầu vàng? Vì nếu đấu thầu tiếp tục ế, hệ lụy kéo theo là vàng tiếp tục tăng giá.
Xin nhắc lại, mục tiêu mà chính cơ quan này khi quyết định đưa vàng miếng ra đấu thầu là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trương là đúng, là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, đạt được sự đồng thuận của cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Vậy, chỉ còn cần xem lại cách làm.
Có một điều khó có thể phủ nhận là, ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, với những điều kiện tham gia được đưa ra thì các chuyên gia, và những người trong ngành dường như đã “đọc vị” được một cái kết thiếu hậu như thực tế đang diễn ra.
Phải mua 1.400 lượng, đặt cọc 10%; trúng thầu phải thanh toán tiền ngay, hai ngày sau mới nhận được vàng. Đó là chưa kể giá khởi điểm và giá bỏ thầu cao hơn hay thấp hơn thị trường hiện tại… là những điều kiện mà nhiều chuyên gia đánh giá là mang tính “đánh đố” doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Giống như, họ được mời đấy, mà khó có thể chạm, mọi sự chỉ như mang tính hình thức mà thôi.
“Quá tam ba bận”, đã đến Ngân hàng Nhà nước cần xác định rõ để có cách tiếp cận khách quan, công bằng hơn trong việc đấu thầu vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có hai lựa chọn là tiếp tục, hoặc ngừng đấu thầu, mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của Nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng.
Tuy nhiên, trên hết, chúng ta vẫn phải khẳng định lại một lần nữa, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và Ngân hàng Nhà nước không nên trực tiếp gánh trách nghiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Và chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay.