Tâm điểm dư luận

Hướng tới mức lương đủ sống

Trung Nguyễn 01/04/2025 - 09:55

Theo kết quả khảo sát của Bộ LĐTB&XH (cũ), nay là Bộ Nội vụ về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp, tiền lương bình quân năm 20 của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Mức lương này dù đã cao hơn nhiều mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn chưa đảm bảo mức đủ sống của người lao động.

Khảo sát trước đó của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, chi tiêu bình quân tháng của mỗi hộ gia đình người lao động lên tới 14,059 triệu đồng và có xu hướng cao hơn vào những dịp cuối năm. Mức thu nhập của cá nhân người lao động chỉ đáp ứng được 63% chi tiêu của gia đình. Một gia đình công nhân muốn chi trả đủ mức chi tiêu cơ bản, cần ít nhất 2 người đi làm.

Riêng với khu vực TP. HCM, trong hoạt động thảo luận tại Quốc hội mới đây, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố nêu con số, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 21 triệu đồng/tháng. Con số này vượt cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,96 triệu đồng áp dụng với TP. HCM hiện tại.

Vấn đề lương tối thiểu không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Từ các tranh luận, đại biểu TP. HCM nêu quan điểm xây dựng khái niệm "lương đủ sống" như một căn cứ thương lượng tiền lương, dựa trên giá cả, sức lao động. Và "lương đủ sống" tại thành phố lớn nhất cả nước, phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.

Lương tối thiểu vùng đóng vai trò là mức sàn để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Vì vậy, khi tăng lương tối thiểu, thu nhập chung của người lao động cũng sẽ được nâng lên. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động mà còn tạo động lực thúc đẩy năng suất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và khi kinh tế phát triển, người lao động sẽ được hưởng lợi từ thành quả đó.

Do đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng ở mức hợp lý sẽ có "lợi ích kép", đó là có lợi cho người lao động và cũng có lợi cho doanh nghiệp trong việc tạo động lực cho người lao động tăng năng suất, gắn bó với doanh nghiệp.

Theo ý kiến của một số chuyên gia lao động tiền lương, năm 2025, dự kiến tốc độ GDP của đất nước đạt 8%, mức cao hơn so với năm 20 là 6,8% thì có thể điều chỉnh tăng lương tối thiểu lên một chút. Vì thế, cần tăng cường vai trò của 3 bên là đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động và Nhà nước trong việc đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2025.

Lương tối thiểu vùng điều chỉnh trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường. Người lao động đều muốn tăng lương nhưng phải hài hòa lợi ích, xem xét kỹ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp; tăng cường kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và các dịch vụ cơ bản để giảm chi phí sinh hoạt cho người lao động.

Về phía doanh nghiệp, ngoài bảo đảm các phúc lợi xã hội cho người lao động như BHXH, BHYT, cần nghiên cứu hoàn thiện chế độ tiền lương, đãi ngộ. Điều này sẽ giúp người lao động có sự bảo vệ tài chính khi gặp phải rủi ro về sức khỏe hoặc các tình huống khẩn cấp.

Về tổng thể lâu dài, để hướng tới mức lương đủ sống cần phải có các giải pháp đồng bộ tăng năng suất lao động dựa trên cơ sở tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý và làm việc khoa học.

Để làm được việc này, trước hết phải đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào các ngành tạo ra giá trị cao như điện tử, bán dẫn… đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh 16 lần, kể từ năm 2009. Gần đây nhất, từ ngày 1/7/20, Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo tháng ở mức 6%, với các mức: Vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng.

Trả lời báo chí về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2025, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Khi các bộ, ngành hoàn thành xong thủ tục hợp nhất thì chúng tôi sẽ chính thức đề xuất mức lương tối thiểu. Hiện nay, Tổng Liên đoàn đã có khảo sát ban đầu về nhu cầu của người lao động, thực tế việc làm, thị trường lao động cũng như giá cả hàng hóa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới mức lương đủ sống