Chiến khu du kích Ngọc Trạo là điểm đến của nhiều người khi tìm về dấu ấn xưa, tìm về cội nguồn căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thanh Hóa cách đây 82 năm (19/9/1941 - 19/9/2023), để hồi tưởng lại những ngày đầu thành lập.
Nằm cách cách thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) km, Ngọc Trạo nằm gọn trong vùng được bao bọc bằng những đồi núi hiểm trở, cây cối um tùm. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, người dân Ngọc Trạo đã thể hiện rõ lòng yêu nước, tích cực hưởng ứng phong trào chống thực dân Pháp, một lòng quyết tâm theo Đảng lãnh đạo, hăng hái tham gia các tổ chức quần chúng cách mạng… Từ đó, lực lượng tự vệ địa phương phát triển mạnh hơn so với các vùng lân cận.
Đây cũng là nơi mà các con đường mòn dẫn vào rừng như một ma trận, chỉ có dân bản địa mới thông thạo đường đi lối lại. Nhận thấy vị thế “địa lợi nhân hòa”, tháng 7 năm 1941, tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn Ngọc Trạo làm địa điểm xây dựng chiến khu – căn cứ địa cách mạng của tỉnh, lấy Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa làm vành đai hậu thuẫn cho chiến khu.
Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của Lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Sự ra đời của Đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Từ đây, đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này.
Một tháng sau ngày thành lập, Đội du kích Ngọc Trạo đã phát triển lên tới 83 người và được biên chế thành hai trung đội. Mỗi trung đội gồm một tiểu đội súng, một tiểu đội dao, kiếm, tổ trinh sát, tổ y tế, tổ hậu cần. Ban lãnh đạo chiến khu có chủ chương phát triển đội du kích lên 500 đội viên để có đủ lực lượng mở rộng hoạt động suốt từ Tây bắc đến Đông nam địa phận vùng ven rừng núi Thanh Hóa.
Đội du kích đang hoạt động và phát triển lực lượng, nhưng với sự chỉ điểm của tên phản bội đội lốt cha cố ở nhà thờ Phúc Địa (Thọ Xuân), bọn địch đã huy động lính bí mật bao vây ở Đa Ngọc (xã Yên Giang, huyện Yên Định). Lực lượng vũ trang ta đã nhanh chóng triển khai trận địa đánh trả địch quyết liệt. Sau sự kiện Đa Ngọc, địch đã phát hiện ra chiến khu Ngọc trạo. Chúng mở một chiến dịch bao vây càn quyét lớn, huy động một lực lượng lớn 500 tên.
Rạng sáng ngày 19/10/1941, cuộc chiến đấu đầu tiên giữa Đội du kích Ngọc Trạo và bọn lính khố xanh diễn ra hết sức quyết liệt. Cuộc chiến đấu không cân sức, dằng co kéo dài, quân du kích với dao, kiếm và một số ít súng kíp đã chống trả nhiều lần tấn công của địch. Để bảo toàn lực lượng, ban chỉ huy chiến khu đã quyết định cho toàn đội du kích vượt vòng vây chuyển về phía Bắc huyện Vĩnh Lộc. Tối 25/10/1941, toàn Đội đã tập kết tại đình làng Cẩm Bào (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), thông qua kế hoạch phân tán lực lượng về các địa phương để tránh sự truy lùng khủng bố của địch…
Người xưa đã không còn, nhưng những đóng góp của họ còn vang mãi đến mai sau. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn người con của chiến khu đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã chiến đấu anh dũng và được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân huy chương cao quý.
Ngọc Trạo hôm nay đã được đầu tư tôn tạo xứng tầm với Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mỗi người dân Ngọc Trạo nói riêng và Thanh Hóa nói chung, luôn thành kính tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản kiên trung, những người con ưu tú của quê hương, đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc và hạnh phúc muôn đời của Nhân dân.