Cứ vào mỗi vụ thu hoạch, người dân lại biến lòng đường thành nơi phơi lúa, rơm, dùng gạch đá, cây cối, vật cản khác chắn ngang đường, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Không chỉ lấn chiếm lòng đường, người dân một số địa phương còn đốt rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây khói bụi, làm ô nhiễm không khí, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước tình hình trên, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân không được phơi lúa, phơi rơm rạ và sử dụng gạch đá, cây cối, vật cản khác chắn ngang đường làm cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng công an các xã, thị trấn ven các tuyến giao thông tăng cường tuyên truyền trên Đài phát thanh truyền hình, hệ thống loa truyền thanh và trên nền tảng mạng xã hội (nhóm Zalo, facebook…) đến từng từng thôn, bản, khu dân cư và mỗi người dân về các hành vi bị cấm.
Cụ thể: Sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi lúa, rơm rạ và đốt rơm, rạ trên đường; để gạch đá, cây cối, vật dụng trên lòng đường gây cản trở giao thông; phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình vi phạm; nhất là khi để xảy ra tai nạn giao thông có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Đoàn Luật sư Thanh Hóa), cho biết: Tùy tính chất và mức độ của hành vi cản trở giao thông đường bộ trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và gây ra thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường bộ. Cụ thể, hành vi phạm tội nhằm xâm phạm đến trật tự an ninh an toàn giao thông đường bộ, đồng thời gây thiệt hại đến tính mạng của công dân, đến tài sản của nhà nước, của tổ chức và của công dân khác.
Đối tượng tác động của tội phạm này là công trình giao thông đường bộ. Công trình đường bộ bao gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
Ở đây, cần hiểu cản trở giao thông đường bộ được hiểu là hành vi của các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện một số công việc thuộc các nhóm hành vi sau đây: Cản trở tác động đến hệ thống đường bộ (làm thay đổi kết cấu của hệ thống đường bộ như khoan, đào, san lấp; Tạo chướng ngại vật trên hệ thống đường bộ như đổ trái phép vật liệu, phế thải, chất gây trơn; Tạo đường giao cắt qua đường bộ, đường có dải phân cách; Sử dụng đường không đúng mục đích như phơi rơm, phơi rạ dưới lòng đường; buộc trâu, bò trên hành lang an toàn đường bộ...
Hành vi cản trở giao thông đường bộ trở thành Tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự khi thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ và gây ra một hoặc một vài hậu quả có liên quan đến tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác với tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác và không được ngăn chặn kịp thời thì cũng có thể bị xử lý hình sự.
Cơ quan tố tụng, khi thu thập đầy đủ các dấu hiệu cấu thành nêu trên và xác định được hậu quả của hành vi là nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi vi phạm với Tội cản trợ giao thông đường bộ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội gây cản trở giao thông đường bộ.
Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ các trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả mà không được ngăn chặn kịp thời.
Hình phạt đối với Tội cản trở giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 20, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, các hình phạt có thể được áp dụng là: phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn cao nhất là 10 năm.