Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại buổi tiếp 25 đại biểu quốc tế đến từ quốc gia dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngy ký Hiệp định Paris.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu quốc tế
Tiếp các đại biểu quốc tế tại Phủ Chủ tịch, Chụ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ nhiệt thành mà các bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; trong đó có thời gian diễn ra Hội nghị Paris, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hiện nay.
Các ý kiến phát biểu đánh giá Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973 là chiến thắng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân các nước với nhiều hoạt động sôi động ủng hộ Việt Nam trên toàn cầu.
Một số đại biểu chia sẻ kỷ niệm về ấn tượng trong những chuyến thăm Việt Nam trước đây đã làm thay đổi tư duy, quan điểm đối với đất nước hình chữ S và trở thành những người bạn thân thiết với Việt Nam; nhắc lại những kỷ niệm vinh hạnh gặp các lãnh đạo Việt Nam thời điểm đó như bà Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Các đại biểu cũng nhắc lại những kỷ niệm khó quên, những tình cảm yêu mến đặc biệt với đất nước, con người Việt Nam luôn ở trong tim. Họ không chỉ chia sẻ để mọi người hiểu về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà còn hiểu thêm về một đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây; kêu gọi chung tay đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Chủ tịch nước: Nhân dân Việt Nam hết sức trân quý và luôn đề cao những giá trị của hòa bình, đề cao những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế
Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các đại biểu quốc tế tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; cho rằng sự có mặt của các đại biểu quốc tế thể hiện tình cảm sâu sắc, quan tâm, yêu mến Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt trong những ngày giáp Tết Quý Mão 2023.
Bày tỏ xúc động khi lắng nghe các phát biểu của các bạn bè quốc tế chia sẻ về những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ nhiệt thành đã dành cho Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ 50 năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 27/1/1973 đã trở thành bước ngoặt - mốc son trong sự nghiệp thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris và Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã cho thế giới thấy rằng, một dân tộc nhỏ bé nhưng với quyết tâm, tinh thần, ý chí sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do,” tự chủ, tự cường, cùng với tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, có thể chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần.
Thắng lợi đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là niềm vui của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, những người đã đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, đấu trí cam go tại Paris.
Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo,” củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và trở thành cảm hứng của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, vì tự do, bình đẳng, bác ái.
Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, những người đã luôn ở bên cạnh Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khó nhất. Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã trở thành một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như vì hòa bình, lẽ phải và công lý trên thế giới.
Chủ tịch nước cho biết kể từ sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, lịch sử Việt Nam đã sang trang mới. Từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tình hình chính trị-xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Việt Nam đã vươn lên gia nhập Nhóm nước thu nhập trung bình, có quy mô kinh tế lớn thứ 3 ASEAN. Năm 2022, ước tính GDP tăng 8,02% và GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều của Liên hợp quốc ước còn khoảng 3,6%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 58% năm 1993. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ.
Về đối ngoại, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 17 nước "đối tác chiến lược" và 13 nước "đối tác toàn diện." Việt Nam hiện cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Những thành tựu quan trọng đó là minh chứng cho những thành công của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Đề cập tình hình thế giới còn trải qua những biến động to lớn và phức tạp trong thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh hợp tác ngăn chặn xung đột và chiến tranh, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển công bằng, bền vững đã trở thành yêu cầu cấp bách, là nguyện vọng thiết tha của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Từng phải trải qua nhiều hy sinh, đau thương, mất mát trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, nhân dân Việt Nam hết sức trân quý và luôn đề cao những giá trị của hòa bình, đề cao những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước. Việt Nam luôn thủy chung với bạn bè quốc tế, kiên định đoàn kết, ủng hộ nhân dân các nước đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự đoàn kết, ủng hộ quý báu mà bạn bè quốc tế đã và đang dành cho Việt Nam; bày tỏ tin tưởng sẽ mãi mãi đồng hành với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức “Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai.” Các đại biểu đã giao lưu với các nhân chứng lịch sử trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Tham dự sự kiện có 26 người bạn quốc tế đến từ các tổ chức hữu nghị, hòa bình tại quốc gia trên thế giới. Đây là những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có thời kỳ Hội nghị Paris, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhân dịp này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong bốn người ký tên vào Hiệp định Paris đã gửi thông điệp tới sự kiện. Trong thông điệp, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam. Đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi to lớn chưa từng có của thế giới, đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. “Chúng tôi còn ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt,” bà Nguyễn Thị Bình khẳng định. Bà Nguyễn Thị Bình một lần nữa cảm ơn những người bạn, những người chiến sỹ hòa bình đòi công lý trên thế giới đã tham gia vào cuộc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước; mong rằng những người bạn quốc tế vẫn duy trì tình cảm đó đối với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển. |