Sau nửa năm TAND TP Ha Bình trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, Cng an v VKSND tỉnh Ha Bình vẫn khẳng định bác sỹ Hong Cng Lương khng v can trong vụ án ny.
Ngày 5/12/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất cáo trạng số 01/CT-VKS-P2 truy tố với các bị can trong vụ án về các tội: Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Các bị can trong vụ án gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh); Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình); Trần Văn Sơn (SN 1990, viên chức phòng Vật tư, Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình); Trần Văn Thắng (SN 1965, nguyên Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình); Hoàng Đình Khiếu (SN 1962 Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (SN 1962, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình); Đỗ Anh Tuấn (SN 1976, Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn).
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử ngày 18/5/2018
Trong vụ án này, bị can Bùi Mạnh Quốc và Hoàng Công Lương bị truy tố về tội Vô ý làm chết người, theo quy định tại khoản 2, Điều 98 - BLHS năm 1999.
Các bị can còn lại gồm: Trần Văn Sơn, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Trương Quý Dương và Đỗ Tuấn Anh, bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2, Điều 285 - BLHS năm 1999
Theo cáo trạng truy tố, Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên lọc máu, BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, trong quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL), đây là hóa chất chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép dùng cho mục đích khử khuẩn y tế để sục rửa các vỏ màng lọc, không sụ xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư lượng hóa chất HF vượt quá mức an toàn trong hệ thống nước; chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI theo nội dung báo giá đã thỏa thuận nhưng vẫn bỏ mặc cho đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong khi chạy thận ngày 19/05/2017 và sau đó có thêm 1 người tử vong.
Đối với Hoàng Công Lương, VKS cho rằng Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám chữa bệnh Nội và Hồi sức cấp cứu. Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2; biết rõ nội dung sửa chữa và thời gian cụ thể ngày 28/5/2017 sửa chữa hệ thống RO số 2.
Đến ngày 29/5/2017, bị can là bác sỹ duy nhất trong 3 bác sỹ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Chính y lệnh lọc máu chạy thận của Hoàng Công Lương cũng như việc Lương ký xác nhận vào y lệnh của bác sỹ Linh, bác sỹ Huyền có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân.
Do vậy, Hoàng Công Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29/5/2017.
Ngoài ra, với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng “tẩy rửa màng RO” phải có xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa. Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới nghe Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, nhưng Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh và bác sỹ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân.
VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận việc ra y lệnh và ký xác nhận của bác sỹ Lương để tiến hành lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với Trần Văn Sơn, bị can được Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị y tế giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của Đơn nguyên lọc máu; là người lập đề nghị mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và trực tiếp trao đổi với Bùi Mạnh Quốc về việc sửa chữa RO số 2.
Trong quá trình Quốc sửa chữa, Sơn đã không có mặt để giám sát. Sơn biết rõ Quốc chưa lấy mẫu đi xét nghiệm nhưng sáng 29/5/2017 khi có mặt tại Đơn nguyên lọc máu Sơn vẫn để mặc cho Đơn nguyên lọc máu sử dụng RO số 2, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với bị can Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong quá trình thực hiện đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới, không làm hết trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất với cấp trên ban hành quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa các thiết bị y tế, vi phạm một loạt các quy định, quy chế của Bộ Y tế. Do đó, bị can Thắng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, phụ trách 13 khoa, phòng, trong đó có phòng Vật tư Thiết bị y tế và kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực.
Hoàng Đình Khiếu là người chịu trách nhiệm về chất lượng nước sử dụng trong lọc máu nhưng đã buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát cấp dưới, để xảy ra tình trạng thời gian dài Đơn nguyên lọc máu sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO đều tùy tiện đưa luôn vào sử dụng khi chưa có kết quả xét nghiệm chất lượng nước, chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng, vi phạm một loạt các quy định, quy chế của Bộ Y tế.
Với bị can Trương Quý Dương, với vai trò là Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, Dương đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, vi phạm một loạt các quy định, quy chế của Bộ Y tế.
Tiếp tục với bị can Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, là người ký hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo phục vụ điều trị bệnh nhân suy thận với BVĐK tỉnh Hòa Bình, có ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm từ việc liên kết thực hiện dịch vụ này.
Ngoài ra, những lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO trước đó đều do Đỗ Anh Tuấn ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với Trương Quý Dương. Đỗ Anh Tuấn là người ký biên bản thương thảo hợp đồng và Hợp đồng số 3 với BVĐK tỉnh Hòa Bình; là người yêu cầu Bùi Mạnh Quốc tiến hành kiểm tra hệ thống RO số 2 và báo giá cho công ty Thiên Sơn.
Sau khi ký kết HĐ 3, Tuấn chỉ đạo nhân viên gọi và yêu cầu Quốc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2. Tuấn đã không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa theo báo giá. Đỗ Anh Tuấn đã không nhắc nhở, cảnh báo đối với Quốc về việc bảo đảm chất lượng cho nguồn nước sau sửa chữa, không đưa hệ thống RO số 2 vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước.
Được biết, mới đây, ngày 5/12, các gia đình bệnh nhân chạy thận là nạn nhân của vụ án đã có đơn kiến nghị gửi tới giới chức các cấp đề nghị "trả tự do" cho Hoàng Công Lương, để bác sĩ Lương tiếp tục công việc chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Tính đến chiều ngày 5/12 cũng có gần 20.000 chữ ký điện tử và gần 16.000 chữ ký trên giấy do người nhà và các đồng nghiệp y khoa kêu gọi "ủng hộ bác sĩ Lương" trước khi phiên tòa xét xử vụ án diễn ra.