Sức khỏe

WHO khuyến nghị tăng mạnh giá thuốc lá vì gây hại cho sức khỏe

Trang Nguyễn 04/07/2025 - 08:16

Ngày 2/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu tăng giá các mặt hàng thuốc lá, rượu và nước ngọt ít nhất 50% vào năm 2035. Đề xuất này là một phần của sáng kiến "3 by 35", được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển toàn cầu lần thứ tư tại thành phố Seville, Tây Ban Nha.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng tiêu thụ ngày càng mạnh mẽ các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu và đồ uống có đường. Theo WHO, chính ba loại sản phẩm này đang âm thầm đẩy nhân loại đến gần hơn với cái chết, khi là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư và tiểu đường – vốn chiếm hơn 75% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, riêng thuốc lá đã khiến khoảng 7 triệu người chết mỗi năm – một con số vượt xa nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm cộng lại.

Theo báo cáo của WHO, chỉ với biện pháp tăng 50% giá các sản phẩm này, thế giới có thể ngăn chặn tới 50 triệu ca tử vong sớm trong vòng 50 năm tới. Ngoài ra, việc tăng thuế không chỉ có ý nghĩa về mặt y tế mà còn giúp các quốc gia tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh viện trợ quốc tế sụt giảm và nợ công tăng cao. Dự kiến, biện pháp này có thể đem lại khoảng 1.000 tỷ USD cho ngân sách các nước trong vòng 10 năm tới.

phong-chong-thuoc-la.png

Tại nhiều nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành vẫn ở mức cao, trên 40%, trong khi tỷ lệ hút thuốc thụ động trong cộng đồng, đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em, cũng rất đáng lo ngại.

Để có thể giảm thiếu nguy cơ sức khỏe của cộng đồng đối với tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tác hại thuốc lá như ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, thiết lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai các chiến dịch truyền thông và áp dụng quy định cấm hút thuốc nơi công cộng.

Một bước tiến quan trọng vừa được ghi nhận là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) năm 2025, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Theo đó, mức thuế đối với thuốc lá sẽ được điều chỉnh tăng thêm đến 10.000 đồng/bao – một biện pháp mạnh tay nhằm kiềm chế tiêu dùng và giảm thiểu gánh nặng y tế.

Khoảng 1,3 triệu người tử vong do khói thuốc lá thụ động mỗi năm. Ngày nay, 79 quốc gia đã triển khai môi trường không khói thuốc toàn diện, bao phủ một phần ba dân số thế giới. Kể từ năm 2022, sáu quốc gia khác (Quần đảo Cook, Indonesia, Malaysia, Sierra Leone, Slovenia và Uzbekistan) đã áp dụng luật không khói thuốc nghiêm ngặt, bất chấp sự phản đối của ngành, đặc biệt là tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Có một xu hướng ngày càng tăng trong việc quản lý việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc ENDS – Hệ thống cung cấp Nicotine điện tử. Số lượng quốc gia quản lý hoặc cấm ENDS đã tăng từ 122 vào năm 2022 lên 133 vào năm 20, một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự chú ý ngày càng tăng đối với các sản phẩm này. Tuy nhiên, hơn 60 quốc gia vẫn chưa có bất kỳ quy định nào về ENDS.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Có thể nói, việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là biện pháp y tế công cộng hiệu quả, mà còn góp phần giảm chi phí điều trị bệnh tật do thuốc lá gây ra, đồng thời bổ sung đáng kể cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu từ thuế có thể được tái đầu tư vào các chương trình y tế, giáo dục, và phát triển bền vững – mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội.

Tiến sĩ Jeremy Farrar – Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách Thúc đẩy Sức khỏe và Phòng ngừa & Kiểm soát Bệnh tật cho biết: “Trong giai đoạn 2012–2022, gần 140 quốc gia đã tăng thuế thuốc lá, giúp giá thực tế tăng hơn 50% — cho thấy thay đổi quy mô lớn là hoàn toàn khả thi.”

Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ WHO và xu hướng toàn cầu hóa trong công tác phòng chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không truyền nhiễm, đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam hành động quyết liệt hơn nữa. Việc tăng giá thuốc lá không chỉ góp phần giảm số người hút mới, đặc biệt là giới trẻ, mà còn bảo vệ sức khỏe lâu dài cho các thế hệ tương lai.

Chỉ khi có chính sách thuế mạnh mẽ, đồng bộ với các biện pháp truyền thông, giáo dục và thực thi pháp luật nghiêm túc, Việt Nam mới có thể kiểm soát hiệu quả tác hại của thuốc lá và hướng tới một xã hội phát triển bền vững, khỏe mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO khuyến nghị tăng mạnh giá thuốc lá vì gây hại cho sức khỏe