Kinh tế

"Xanh hóa" logistics – Hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững

Minh Lý /05/2025 - 21:27

Ngày /5, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và công nghệ mới trong phát triển logistics bền vững tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” đã diễn ra. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chủ trì, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội thảo tập trung thảo luận về các xu hướng xanh hóa chuỗi cung ứng và chuyển đổi ngành logistics theo hướng bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris tại COP26.

Chuyển đổi ngành logistics theo hướng bền vững

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện ICED – nhận định, ngành logistics đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững, ngành này cần chuyển đổi mạnh mẽ, ưu tiên áp dụng công nghệ và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà là nhiệm vụ của hiện tại. Logistics xanh cần được triển khai đồng bộ từ khâu cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối đến giao hàng và xử lý chất thải”, ông Quân nhấn mạnh.

thi-truong-logistics-viet-nam-co-tiem-nang-rat-lon.-anh-minh-hoa-..png
Thị trường logistics Việt Nam có tiềm năng rất lớn. (Ảnh minh họa).

Theo đó, các giải pháp công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, cùng với năng lượng tái tạo, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, tối ưu hóa và giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi logistics.

GS. Joseph Sarkis – chuyên gia hàng đầu về chuỗi cung ứng bền vững từ Học viện Bách khoa Worcester (Hoa Kỳ) – chia sẻ: Xanh hóa logistics không chỉ mang lại giá trị môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí vận hành, và tạo lợi thế thương mại cho doanh nghiệp. Đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.

Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp công nghệ: từ tích hợp năng lượng tái tạo, phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, đến các hệ thống chuỗi cung ứng giảm phát thải. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại…

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo thống kê, hiện Việt Nam có hơn 30.000 doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp hạn chế về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.

Ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) – cho biết, ngành logistics Việt Nam thời gian qua đạt mức tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 14%-16%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ đạt 60%-70%, đóng góp 4%-5% GDP. Theo xếp hạng Agility 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong số 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Năm 20, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14%, đạt trên 570 triệu tấn hàng.

Thời gian tới, nếu doanh nghiệp logistics Việt Nam không nhanh chóng thích nghi với các tiêu chuẩn xanh, sẽ gặp khó khăn lớn khi tiếp cận thị trường quốc tế, nhất là tại châu Âu – nơi đang siết chặt quy định về phát thải và truy xuất nguồn gốc carbon.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển hạ tầng logistics xanh, ứng dụng công nghệ sạch, phương tiện vận tải thân thiện môi trường và hệ thống kho bãi thông minh được xác định là các ưu tiên trọng tâm. Đồng thời, cơ chế tài chính xanh, các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần được triển khai mạnh mẽ.

Từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực, một số ý kiến cho rằng cần xây dựng các chương trình chuyên sâu về logistics bền vững và kinh tế tuần hoàn, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp với xu hướng chuyển đổi xanh.

Tại Hội thảo, vấn đề “xanh hóa” logistics không chỉ là xu thế phát triển mà còn là yêu cầu mang tính chiến lược đối với các quốc gia đang hội nhập sâu rộng.

Hội thảo khép lại với nhận định chung: “Xanh hóa” logistics không chỉ là một xu hướng nhất thời mà là chiến lược dài hạn, mang tính sống còn. Với sự đồng hành của nhà nước, doanh nghiệp, giới khoa học và cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể đi đầu trong xây dựng mô hình logistics xanh và bền vững tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Xanh ha" logistics – Hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững