Tin địa phương

Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện

Thành Phan 13/08/20 - 10:51

Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách… hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, con người ngày càng toàn diện hơn. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị; hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống và phát triển con người được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người xứ Thanh được kế thừa và tiếp tục phát triển; những giá trị mới về văn hóa, con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập được tiếp thu có chọn lọc và từng bước được mở rộng.

Với việc chú trọng xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, khẳng định và tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cái tích cực, cao thượng, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai nhiều phong trào xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng bộ tiêu chí kiểu mẫu và xây dựng con người Thanh Hóa kiểu mẫu theo lời dạy của Bác Hồ.

tangcanhan.jpg
Tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Giai đoạn 2014 - 20, trên địa bàn tỉnh đã có 526 tập thể, 844 cá nhân là các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác được khen thưởng; tôn vinh 17 cá nhân đạt danh hiệu "Vì sự phát triển tỉnh Thanh Hóa"; hàng trăm học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi về giáo dục, khoa học và nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Các hoạt động nhằm cải thiện tầm vóc, thể trạng, chất lượng cuộc sống của người dân được quan tâm. Thể thao thành tích cao của tỉnh luôn đứng trong trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thể thao quần chúng được triển khai, nhân rộng và phát triển mạnh; tỉ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 44%, tăng 10% so với năm 2014; tỉ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 30,6%, tăng 6,6%.

Hệ thống các quy ước, hương ước cộng đồng, làng, bản, khu phố được bổ sung, hoàn thiện theo hướng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, đẩy lùi và loại bỏ các hủ tục, đưa vào các chuẩn mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người mới.

Các cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng văn hóa trong nhà trường, giáo viên, học sinh; tổ chức giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, cách mạng, “Tôn sư, trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn”… thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa. Xây dựng và nhân rộng phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học, đẩy mạnh học tập suốt đời"; xây dựng và phát huy hiệu quả các quỹ khuyến học, khuyến tài từ tỉnh đến cơ sở, ở gia đình, dòng họ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh, trở thành cuộc vận động lớn được các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm thực hiện theo quy định, phù hợp với truyền thống địa phương.

lehoilamkinh2.jpg
Tiết mục nghệ thuật trong Lễ hội Lam Kinh năm 2023

Hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 08 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 20 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 532 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 4.287 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Việc xây dựng môi trường sinh thái trong lành, có thẩm mĩ trong cộng đồng dân cư được quan tâm; nhiều mô hình như: "Vườn sạch, nhà đẹp", "Đường hoa sinh thái", "Câu lạc bộ Thanh niên bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp", “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”... được triển khai thực hiện hiệu quả.

Hoạt động văn hoá trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân được đảm bảo; chính sách đại đoàn kết dân tộc được thực hiện tốt, tạo không khí đoàn kết lương giáo giúp nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia lao động, sản xuất, hoạt động xã hội. Những giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy; nhiều hoạt động trong xây dựng đời sống tinh thần gắn với các phong trào, hoạt động nhân đạo từ thiện được tổ chức... góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm; chăm lo, củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng các danh hiệu "Cơ quan văn hóa", "Cơ quan, đơn vị kiểu mẫu".

Xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, đạo đức kinh doanh, uy tín thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh.

Giai đoạn 2014-20, tỉnh đã bố trí 6.501,9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa. Bố trí ngân sách tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về văn hóa, văn học- nghệ thuật, xuất bản sách đặt hàng về văn hóa, con người Thanh Hóa...

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bám sát đề án về lĩnh vực văn hóa, trọng tâm là Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 04/7/20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các vai trò, ý nghĩa, quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng con người Thanh Ha phát triển ton diện