Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số.
Lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh mới: Phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.
Là người phát động phong trào "Bình dân học vụ số", Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ".
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/20 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
"Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số", Thủ tướng nêu rõ.
Chuyển đổi số ở nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 45%, người dân đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng nền tảng VNeID, với hơn 93 triệu lượt truy cập.
Kinh tế số có bước phát triển vượt bậc, đóng góp 18,3% GDP, với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 20 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 57%)...
Triển khai 3 nền tảng thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số", gồm: Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch và nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu (đã đào tạo cho hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phổ cập kỹ năng số miễn phí cho hơn 40 triệu lượt người); và nền tảng "Bình dân học vụ số" đến nay đã đào tạo 200 nghìn lượt cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số thời gian qua, Thủ tướng cho rằng nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về chuyển đổi số còn hạn chế.
Vẫn còn tồn tại tâm lý chuyển đổi số là việc ở đâu đó, của ai đó, không phải của mình, ở đơn vị, cơ quan mình. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách còn chậm, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Các bộ, ban, ngành, địa phương cơ bản chưa có đề án đột phá về chuyển đổi số.
Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhiều ứng dụng, hệ thống được phát triển, nhưng còn rời rạc, chưa hoàn thiện, chưa hình thành nhiều nền tảng số quy mô lớn, dùng chung. Dữ liệu đã hình thành, nhưng còn cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin. Nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức còn thiếu và chưa đồng đều. Kỹ năng số chưa được phổ cập rộng rãi trong xã hội.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, phong trào "Bình dân học vụ số" phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; chuyển đổi quá trình học tập, rèn luyện và ứng dụng tri thức, kỹ năng số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người; đẩy mạnh cắt giảm chi phí đào tạo, tập huấn; hướng tới miễn phí toàn bộ cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tinh thần là "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" và với phương châm "Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh".
Với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ lan tỏa sâu rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho quốc gia, dân tộc, tất cả vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.