Tăng cường quản lý nh nước về cng tác đấu thầu thiết bị y tế; Xử lý nghiêm các hnh vi trục lợi chính sách liên quan đến BHXH…
Là những nội dung được nêu ra tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay 13/11.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn.
Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được dư luận và Nhân dân đánh giá cao. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm, trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng xấu tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và các ngành, các cấp đã tập trung cao độ, đồng lòng, đồng sức để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm đời sống của người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại, khó khăn trước mắt còn nhiều, cần phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát hiệu quả, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu thiết bị y tế
Đối với lĩnh vực y tế, nghị quyết nêu rõ: Tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.
Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế.
Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý; Tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng theo hộ gia đình; hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế tài chính; chính sách huy động nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công - tư trong lĩnh vực y tế.
Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi; nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin.
Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ y tế các tuyến; có chính sách đãi ngộ, đặc thù, chế độ thâm niên nghề nghiệp đối với lực lượng y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Sớm thực hiện việc tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, công tác chuyên môn cho phù hợp.
Trong năm 2022, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm COVID-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách liên quan BHXH
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, nghị quyết nêu:
Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc. Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 20, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.
Rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện bảo đảm công khai, minh bạch.
Quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như: đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội; tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Tăng cưỡng kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghị quyết nêu rõ: Đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.
Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học.
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023.
Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này.
Khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân kế toán và quyết toán vốn đầu tư.
Chậm nhất là 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong tháng 12/2021, phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển kinh tế và liên kết vùng.
Trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.