Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, các Công ty không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng thực hiện môi giới, nhận tiền của người lao động đều bị xử lý nghiêm minh với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 20.
Tại cuộc họp báo, PV Báo Công lý đặt câu hỏi: Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều công ty không được được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng vẫn đứng ra môi giới, nhận tiền cam kết với người lao động sau đó không thực hiện khiến nhiều người lao động rất bức xúc. Đối với các công ty không được cấp phép hoạt động nhưng vẫn nhận tiền của người lao động, quan điểm giải quyết của Công an Hà Nội thế nào? Công an Hà Nội có giải pháp cụ thể nào trong việc ngăn chặn tình trạng các công ty có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động?
Trả lời nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đối với các Công ty không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng thực hiện môi giới, nhận tiền của người lao động đều bị xử lý nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
“Những công ty không được cấp phép nhưng môi giới nhận tiền của người lao động diễn ra trên địa bàn thành phố chúng tôi đều khởi tố, bắt giam xử lý với những khung hình phạt rất lớn đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quan điểm xử lý của Công an TP Hà Nội liên quan đến môi giới lao động đi nước ngoài là phải xử lý nghiêm minh, triệt để thu hồi tài sản cho người bị hại với tinh thần không có vùng cấm, không ngoại lệ”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh về một số trường hợp các công ty không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tổ chức tư vấn, thu tiền của nhiều khách hàng sau đó “bắt tay” với bên thứ 3 để “hợp thức hóa” việc tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Đơn cử như Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế T&T (địa chỉ tại số 1 –LK1 Khu đô thị sinh thái, phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm) đã nhận tiền của 75 khách hàng với số tiền nhiều tỷ đồng để thực hiện chương trình đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi sự việc bị “bóc phốt”, Công ty này lại đổ lỗi cho bên thứ 3 là Công ty TNHH Nhân lực toàn cầu Bảo Châu (Công ty Bảo Châu) có địa chỉ tại khu đô thị Kim Chung, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Đáng nói, Công ty Bảo Châu cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Hoài Đức phối hợp với VKSND cùng cấp điều tra, giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định.
Ngoài 2 công ty nói trên còn có Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhân lực GHR Global (Công ty GHR Global) địa chỉ tại tầng 9, tòa nhà Detech, Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu giấy, TP Hà Nội do bà Phạm Thị Hồng Giang là người đại diện pháp luật.
Theo tìm hiểu, Công ty này không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng nữ Giám đốcGHR Global vẫn thu gần 300 triệu đồng của người lao động để thực hiện “đơn hàng” xuất khẩu lao động đi Canada. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm chờ đợi trong mỏi mòn, người lao động không được “bay”, trong khi tiền không lấy lại được. Vụ việc này hiện đang được Công an quận Cầu Giấy vào cuộc xác minh.