Với cụm từ “Giả danh nh báo” tra trên Google, trong 0,29 giây đã cho khoảng 1.080.000 kết quả. Lướt qua tên các tin bi c thể thấy v số những vụ việc bị phát hiện như “Xử phạt đối tượng giả danh nh báo”, “Vấn nạn giả danh nh báo đi “lm” tiền DN"...
Bên cạnh đó, với cụm từ “Nhà báo tống tiền” ta cũng có khoảng 541.000 kết quả trong 0, giây. Những con số đó cho thấy thực trạng phức tạp xung quanh hoạt động báo chí hiện nay.
Giả danh nhà báo để trục lợi
Mới đây, Hoàng Thanh Hải (40 tuổi, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, cộng tác viên một báo mạng) bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt tạm giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Cuối tháng 6 đầu tháng 7/2014, Hoàng Thanh Hải xưng tên là Hoàng, nhắn tin cho một cán bộ Đội Tuần tra - Kiểm soát giao thông Cam Ranh, Công an tỉnh Khánh Hòa rằng, vừa quay được hình ảnh anh T., cán bộ Trạm Ninh Hòa và một Đội phó của Phòng PC67 cầm tiền của lái xe, khi họ làm nhiệm vụ trên QL1A, nếu được đưa 70 triệu đồng Hải sẽ xóa clip, không đưa lên báo. Trong hai lần trao đổi, Hải nâng mức chung chi lên 100 triệu đồng. Khi Hải vừa cầm 100 triệu đồng từ “anh T.” thì bị các điều tra viên ập vào bắt quả tang.
Theo cơ quan điều tra, trong số những vật chứng thu giữ được, có một cuốn sổ ghi tên một số trạm ở Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi…, giấy giới thiệu của một tờ báo cấp cho Hải với chức danh là “Cộng tác viên” và một phong bì đề tên một trạm CSGT ở Tây Nguyên.
Hay vụ ngày 27/12/2013, ba đối tượng mạo danh phóng viên Ban thời sự chính trị - Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) liên lạc với Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai đề nghị được đến công ty quay phim, thu thập tài liệu để viết phóng sự về tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại công ty. Sau đó, ba đối tượng trên làm giả giấy giới thiệu của VTV, trực tiếp đến Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai quay phim, phỏng vấn. Sau khi tác nghiệp, theo gợi ý của nhóm phóng viên về tiền chi phí vé máy bay, kinh phí đi lại, kinh phí duyệt bài ông Tuấn đã đưa cho Bùi Xuân Hiệu 1 phong bì bên trong có 3.000 USD. Khi Hiệu nhận phong bì bỏ túi thì bị bắt quả tang. Khám xét tại chỗ và nơi ở của các đối tượng trên, lực lượng công an thu giữ nhiều giấy giới thiệu khống, con dấu giả của một số cơ quan nội chính và cơ quan báo chí Trung ương.
Các nhà báo tác nghiệp (Ảnh: PV)
Bên cạnh các vụ giả danh nhà báo trên đây, đáng tiếc là cũng có nhiều vụ nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hành vi tống tiền, bị phát hiện và xử lý, có nhiều nhà báo bị truy tố.
Trong cuộc trao đổi gần đây với một số cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định: Gần đây, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng những người không có thẻ nhà báo ngang nhiên hoạt động như là nhà báo. Không dừng lại ở đó, một số người giả danh nhà báo, lợi dụng danh nghĩa của nhà báo dọa nạt các doanh nghiệp, cơ quan để đòi tiền. Gần đây nhất, ở Quảng Bình có trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo câu kết với thầy bói để vòi tiền của nạn nhân là người đã bị hiếp dâm.
Ngoài các trường hợp giả mạo trên, còn có những vi phạm khác xảy ra với sự “tiếp tay” của chính các phóng viên, thậm chí của cơ quan báo chí. Đó là việc phóng viên thường trú cấp giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cho người khác để hoạt động với tư cách là phóng viên của cơ quan báo chí. Một số cơ quan cấp loại giấy tờ như thẻ nhà báo, ví dụ như trường hợp một văn phòng đại diện ở Nha Trang, Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận giống y như thẻ nhà báo (có hình quốc huy) cho một đối tượng mà cơ quan chủ quản báo chí khẳng định không phải người của cơ quan mình.
Những trường hợp vi phạm nêu trên gây hậu quả lớn, đặc biệt là làm mất uy tín của nghề báo. Đến nay, Bộ TT&TT đã cấp thẻ nhà báo cho gần 18.000 nhà báo trên cả nước. Tại sao nhà báo phải có thẻ? Theo Thứ trưởng Tuấn, việc cấp thẻ nhà báo để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí đi vào hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.
Lỏng lẻo và sai phạm trong quản lý
Việc cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu khống cho các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để họ dùng giấy giới thiệu đó cử người khác thay mặt cơ quan báo chí đi làm việc đã vi phạm quy chế, quy định về quản lý hành chính, thậm chí dẫn đến hiện tượng vi phạm pháp luật.
“Văn phòng đại diện không có quyền cấp các giấy chứng nhận theo dạng mạo danh hoặc có hình thức giống như thẻ nhà báo đối với những người không hoạt động trong các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Khoản 6 Điều 2 Điểm a Nghị định số 9/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định rất rõ việc xử phạt hành vi mạo danh hoặc làm giấy chứng nhận giống thẻ nhà báo.
Điều 19a Luật Báo chí cũng đã quy định rõ các tiêu chí để thành lập các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, trong đó, người được chứng nhận là phóng viên thường trú ở một địa phương nào đó thì phải có thẻ nhà báo, cơ quan báo chí phải có trụ sở tại địa phương đó, có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để cơ quan, văn phòng đại diện đó hoạt động, và phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, thành phố nơi cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú.
Nhưng trên thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí không thông qua địa phương mà vẫn cử phóng viên thường trú ở địa phương. Việc làm đó vi phạm cả Luật Báo chí và Nghị định 9, Thông tư 13/2008/TT-BTTTT của Bộ TT&TT hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí.
Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu
Để hạn chế tình trạng đáng báo động trên, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định trước hết phải nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan báo chí.
Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt hơn phóng viên, biên tập viên của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, quản lý tốt hơn các cộng tác viên của mình, đừng để các cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa nhà báo để đi tác nghiệp như nhà báo.
Cùng với việc yêu cầu các cơ quan báo chí, các Sở TT&TT tăng cường trách nhiệm, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ siết chặt các quy định. Chẳng hạn, sẽ sửa đổi Thông tư 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo.
Và có thể Bộ TT&TT sẽ lập các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan liên ngành kiểm tra những nơi đã có xảy ra sai phạm đáng tiếc. Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, chỉ làm như vậy thì mới mong lập lại trật tự trong lĩnh vực này, lấy lại uy tín, trả lại công bằng cho các nhà báo chân chính, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động nghề nghiệp.
Chưa có thẻ phải có giấy giới thiệu Trả lời câu hỏi về vướng mắc khi tác nghiệp đối với những phóng viên chưa có thẻ nhà báo, Thứ trưởng Tuấn cho biết các trường hợp này phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí do chính Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập ký. Giấy giới thiệu phải ghi rõ nơi làm việc, nội dung làm việc, tiếp xúc với những cơ quan, đơn vị nào. Không có loại giấy tờ nào khác thay thế.
Các địa phương nếu gặp những đối tượng không có thẻ nhà báo/giấy giới thiệu hoặc có giấy giới thiệu nhưng thiếu các yếu tố trên thì không phải hợp tác làm việc. |