Trong một lần về thăm, Bác Hồ đã tặng cho xã Yên Trường một chiếc máy cày với mong muốn đơn vị tiếp tục giữ vững thành tích là lá cờ “đại phong” trong sản xuất.
Chiếc máy cày – Kỷ vật thiêng liêng Bác tặng
Trong những lần về thăm Thanh Hóa, vào ngày 11/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến thăm và nói chuyện với Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường (xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) - một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Hợp tác xã của tỉnh Thanh Hóa và cả nước lúc bấy giờ.
Khi máy bay hạ cánh, Bác bước ra cửa máy bay vẫy tay chào bà con, rồi bước nhanh xuống đất và đi về phía nhân dân. Buổi nói chuyện hôm đó, đã Bác thăm hỏi bà con rất thân tình, cởi mở. Bác quan tâm đến từng bữa ăn, cách sinh hoạt theo nếp sống mới của bà con.
Rồi Bác biểu dương, khen ngợi thành tích phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp của đảng bộ, nhân dân xã Yên Trường. Đặc biệt, hôm đó Bác đã dành nhiều thời gian hỏi về phong trào "ba sẵn sàng" của đoàn thanh niên.
Bác căn dặn “Phải tích cực phát huy ưu điểm, ra sức sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “làm cho toàn dân già, trẻ, gái, trai ăn no mặc ấm, được học hành và còn làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc”. Muốn làm được như vậy thì phải “thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, làm đúng mọi nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao”.
Trong cuộc trò chuyện, chợt Bác hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Yên Trường: Hôm nay có chú Trịnh Gia Minh, cô Hoàng Thị An (những đoàn viên lao động giỏi của xã) ở đây không?
Sau khi nghe ông Trịnh Gia Minh báo cáo, Bác gắn huy hiệu của Người cho ông Minh và bà Hoàng Thị An, là một trong những chiến sĩ thi đua, kiện tướng thủy lợi của xã và căn dặn: Đoàn viên, thanh niên của xã phải hăng say lao động sản xuất, tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng địa phương giàu mạnh.
Rồi sau đó, Bác cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Yên Định, lãnh đạo xã Yên Trường băng qua các bờ ruộng, lội bộ vào làng để đến thăm một số gia đình trong xã, thăm nhà trẻ của xã và kiểm tra đời sống nhân dân.
Đến tháng 2/1962, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trường đã vinh dự được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày vạn năng mang nhãn hiệu DT, trên thân máy có dòng chữ ZETOR 6711C, do Ba Lan chế tạo và tặng Bác.
Chiếc máy cày được viên Đại sứ Ba Lan mang về trao tận tay cho bà con nhân dân tại sân vận động xã. Chiếc máy có công suất 25 mã lực, được sử dụng khai hoang, cải tạo đồng ruộng và kéo rơ moóc vận chuyển lương thực, hàng hóa phục vụ cho nhân dân trong vùng.
Khi đó, để lái chiếc máy cày này, Hợp tác xã đã cử ông Lê Văn Cận (nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện) đi học lái máy cày để về phục vụ bà con xã viên.
Ngày đầu tiên máy cày đi vào hoạt động, ông Lê Văn Cận mặc bộ quần áo công nhân mới tinh, trang trọng ngồi trước vô lăng, thao tác những đường cày làm lật tung lớp đất theo hàng lối thẳng tắp. Hàng vạn người dân phấn khởi, hò reo vang lên, đánh dấu sự khởi đầu mới trong sản xuất nông nghiệp. Bởi đây là lần đầu tiên ở xã Yên Trường cũng như huyện Yên Định rộn lên tiếng máy cày.
Yên Trường làm theo lời Bác
Đối với Yên Trường, sự quan tâm đặc biệt của Bác đã thể hiện tình cảm sâu sắc, cũng như quan điểm của Bác đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng.
Làm theo lời Bác dạy, cán bộ và nhân dân Yên Trường đoàn kết xây dựng Yên Trường luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Trường luôn làm tốt phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Tháng 7/1964, Hợp tác xã Yên Trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì luôn là lá cờ đầu của huyện Yên Định và tỉnh Thanh Hóa.
Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ (1965–1975), toàn xã đã đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 4.808 tấn thóc (năm cao nhất là 270 tấn thóc, thực phẩm đạt 20 tấn (vượt mức Nhà nước giao); đã có 504 thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 800 dân quân du kích, 32 thanh niên xung phong, 67 liệt sĩ, 55 thương binh, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với những thành tích đó, Đảng bộ và Nhân dân xã Yên Trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích sản xuất và đóng góp cho kháng chiến; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích sản xuất và đóng góp cho kháng chiến.
Đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, Đảng bộ xã Yên Trường lại lãnh đạo nhân dân bước vào thời kỳ xây dựng CNXH và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Thành tựu đó đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” (tháng 8/2000); được Chính phủ Tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2010”; Đảng bộ xã được Tỉnh ủy tặng Bằng khen “Trong sạch, vững mạnh” trong 3 năm liên tiếp (2010-2012)...
Vào năm 1979, tại vị trí Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân Yên Trường đã được xây dựng thành Khu di tích Bác Hồ, bao gồm 01 tượng đài, 01 ao cá (ở giữa ao có nhà dâng hương) và xung quanh là khuôn viên, vườn cây râm mát. Đến năm 1993, Khu di tích Bác Hồ được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Ông Bùi Thanh Hải - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Trường chia sẻ, cũng đã hơn 62 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh và những lời căn dặn của Bác vẫn như mới diễn ra và luôn là động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, nhân dân xã Yên Trường cùng nhau đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, đạt được nhiều thành tựu để ngày càng xứng đáng hơn nữa với tình cảm thiêng liêng của Bác dành cho.