Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị giao ban cấp vùng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là thời điểm tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số -NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XIII, trong đó đã xác định bảo vệ, cải thiện môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới.
Các vấn đề và yêu cầu nêu trên đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.
Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau; có những thay đổi căn bản so với các quy định trước đây. Sau hơn 01 năm triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành vẫn có những lúng túng nhất định ở một số cơ quan quản lý các cấp, cần tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cụ thể và thống nhất thực hiện.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là triển khai có hiệu quả, đồng bộ các quy định, chính sách của Luật BVMT 2020; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Hội nghị giao ban cấp vùng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bần các tỉnh miền Nam nhằm hướng dẫn các quy định, chính sách của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được thuận lợi và thống nhất; đồng thời hướng dẫn, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường có tính đặc trưng của khu vực và các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý thẳng thắn từ các cơ quan quản lý về môi trường tại địa phương, trong đó, ưu tiên vào các nội dung trọng tâm như: Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; kiểm soát, giám sát các điểm nóng và ứng phó đối với các sự cố môi trường; tình hình cấp Giấy phép môi trường, kiểm tra việc thực hiện nội dung của Giấy phép môi trường; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.