Sau 30 giờ đồng hồ, với lòng can đảm, tinh thần phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do nhóm người Thuỵ Sĩ cắm tung bay trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp.
Cách đây 55 năm, trong bối cảnh chiến tranh bùng nổ ác liệt, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp.
Đây là lá cờ phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
GS.TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cho biết, cách đây 55 năm, ông là một nhà báo thuộc phái đoàn Việt Nam đang tác nghiệp tại Pháp.
Khi trực tiếp nhìn thấy hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông rất xúc động và lấy máy ảnh ghi lại.
Tuy nhiên, khi đó ông không biết ai là người cắm cờ. Sau này, ông được bà Trần Tố Nga, một đại sứ cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam liên lạc và cho biết thông tin.
GS.TS Trình Quang Phú khẳng định, đây là hành động rất cao cả, rất anh hùng, lá cờ như lời hiệu triệu thế giới chống đế quốc xâm lược.
Ông cho rằng buổi gặp gỡ với những người treo cờ trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Paris là tài liệu quý để công bố với nhân dân TP.HCM, nhân dân Việt Nam và các thế hệ mai sau, nhất là trong bối cảnh sắp bước vào 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhóm người thực hiện việc treo cờ ở Nhà thờ Đức Bà thời điểm đó có Bernard Bachelard (26 tuổi), giáo viên thể dục; Noé Graff ( tuổi), sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi), sinh viên vật lý.
Họ đều là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam.
Lúc đó, kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard leo lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất.
Tuy nhiên trở lại Việt Nam lần này chỉ có ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, còn ông Noé Graff tuổi cao, sức yếu nên không thể đi.
Câu chuyện của nhóm người này diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam (18/1/1969).
Nói về ‘động cơ’ thực hiện việc treo cờ, ông Olivier Parriaux cho biết, khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, họ nhận ra rằng, việc tiến hành cuộc đàm phán này tại Paris sẽ là một sự kiện đáng đặc biệt, nhất là việc chuẩn bị cho sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phản đối tội ác của chiến tranh…
Ông Olivier Parriaux nói những ‘động cơ’ này được hình thành bởi lương tâm chính trị và họ làm để ủng hộ Việt Nam.
30 giờ đồng hồ là quãng thời gian để nhóm người này tạo nên một sự kiện chấn động.
Sau 55 năm, ông Olivier Parriaux vẫn nhớ rõ từng chi tiết từ lúc đi xe đến nhà thờ, rồi lúc leo lên tháp để cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhiều điều bất ngờ đã xảy ra khi họ thực hiện nhiệm vụ này, những chàng trai đã lấy hết can đảm thực hiện những ‘cú nhảy’, rồi leo trèo để vượt qua các chướng ngại vật ngoài sức tưởng tượng với độ cao đáng sợ…
Thậm chí, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về để viết thông cáo báo chí gửi các báo, họ gặp Cảnh sát... nhưng may mắn được cho đi.
Khi cắm xong cờ, để tránh lính cứu hoả của Pháp tháo lá cờ, họ đã cưa những thanh sắt ngang ở thân tháp. Đúng như dự đoán, khi thấy có 1 lá cờ trên đỉnh, còi báo động vang lên, tuy nhiên thanh sắt không còn nên các lực lượng không thể leo lên tháo lá cờ mà phải nhờ đến trực thăng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ trực thăng đến, báo chí đã đến và lan tỏa rất nhiều về sự kiện này.
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nền trời xanh, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch.
Với ông Bernard Bachelard, ông vui sướng khi được đến TP.HCM kể lại câu chuyện này, ông cười và nhớ lại lúc trèo lên vòng tròn hoa hồng ở tháp Nhà thờ Đức Bà rồi bị cứa hai bàn tay.
Đây là lần thứ 2 ông Bernard Bachelard đến Việt Nam, lần đầu là trước giải phóng.
Đến bây giờ, những người Thuỵ Sĩ không xem việc cắm cờ là chiến công mà chỉ nghĩ đây là ‘cuộc dạo chơi’ trên đỉnh nhà thờ Đức Bà để phản đối chiến tranh.
Dù có nhiều nguy hiểm nhưng tất cả không làm họ lùi bước vì họ nghĩ đến những cuộc chiến tranh mà hàng trăm ngàn người đang chiến đấu.
Ông Olivier Parriaux cho biết, khi về nước, ông sẽ kể lại việc đón tiếp nồng nhiệt của TP.HCM cho bạn bè, người thân.
“Bản thân tôi không nghĩ mình được như vậy, TP.HCM đối xử quá tốt với chúng tôi”, ông Olivier Parriaux bày tỏ.
Ông nói rằng, ở Việt Nam chiến tranh chưa chấm dứt vì vẫn còn hàng tấn bom đạn chưa nổ, rồi vẫn có sự còn tồn tại khủng khiếp của chất độc da cam, nó đang tàn phá thiên nhiên, con người Việt Nam.
Từ lòng căm phẫn chiến tranh, họ đã đồng hành với bà Trần Tố Nga, đại sứ cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để tiếp tục vụ kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Bên cạnh buổi giao lưu này, những ngày qua, hai người Thuỵ Sĩ đã đi thăm Địa đạo Củ Chi, thăm các cháu bị chất độc da cam cùng nhiều địa điểm lịch sử nổi tiếng ở TP.HCM.
Trước đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi tiếp với 2 người Thuỵ Sĩ này.
Ông Nên khẳng định, hành động quả cảm của hai người bạn Thụy Sĩ là hành động cao cả vì hòa bình, công lý, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ.
Dịp này, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đã trao Huy hiệu TP.HCM cho ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard nhằm thể hiện sự ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với đóng góp quan trọng của hai vị khách quý.
Chuyến thăm lần này là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh.
Là khoảnh khắc để nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử.