Ngày 1/7, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi “Đấu trường chốt đơn – StudentLive”. Ngoài mục đích tìm kiếm người chiến thắng, cuộc thi còn là hành trình rèn luyện và lan tỏa nhận thức nghề nghiệp trong giới trẻ.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi “Đấu trường chốt đơn – StudentLive”.
Ông nhận định, thương mại điện tử là xu hướng không thể cản được. Tại nhiều quốc gia, điển hình như Trung Quốc, ngành công nghiệp này phát triển rất mạnh mẽ, tiểu thương không chỉ bán các mặt hàng giá trị bình dân mà còn bán cả siêu xe và những đồ cao cấp.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang hiện hữu và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, thương mại điện tử đang được lồng ghép vào các chương trình đào tạo, hướng đến một số nhóm đối tượng cụ thể như tiểu thương truyền thống, hệ thống bán lẻ hiện đại, công nhân và nông dân...
Theo ông Hồi, thanh niên, sinh viên là những người có thể học thêm kỹ năng, kết hợp với nhà trường để đào tạo thương mại điện tử ngay từ đầu, tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp trong lĩnh vực mới.
Còn ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM cho biết, thời gian qua, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử và đặc biệt là hình thức livestream bán hàng. Đây là một kênh hiệu quả để kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng.
Theo ông Đảo, bên cạnh những lợi ích thì vẫn có những thách thức, đặc biệt là tình trạng KOL, KOC quảng cáo sai sự thật, quảng cáo không đúng với thành phần của sản phẩm, hay những nội dung không đúng quy định pháp luật.
Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị khởi tố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và doanh nghiệp. "Đây là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành quảng cáo", ông Đảo nói.
Theo ông, việc triển khai cuộc thi “Đấu trường chốt đơn – StudentLive” nhằm tạo ra một sân chơi ý nghĩa cho thế hệ trẻ, những người sẽ kế thừa và định hình tương lai của ngành quảng cáo – truyền thông – thương mại số.
"StudentLive không đơn thuần là một cuộc thi để tìm kiếm người chiến thắng mà còn là một hành trình rèn luyện và lan tỏa nhận thức nghề nghiệp trong giới trẻ", ông Đảo nói.
Thông qua chuỗi hội thảo chuyên đề đi kèm, chương trình mang đến cho sinh viên cơ hội hiểu đúng và nắm vững các quy định pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, rèn luyện kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp gắn liền với đạo đức nghề nghiệp cũng như vận dụng hiệu quả các kỹ thuật livestream hiện đại theo đúng chuẩn mực.
Qua đó, mọi người cùng nhau học cách nhận diện – phản biện và phòng tránh các hành vi quảng cáo sai sự thật, từng bước xây dựng nên một thế hệ làm nghề có tâm – có tầm và có trách nhiệm trong kỷ nguyên thương mại số đang phát triển mạnh mẽ.
Cuộc thi StudentLive là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Quảng cáo và Giải trí Việt Nam – Vietnam Ad & Fun Week 2025 do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) chủ trì. Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc thi đã ghi nhận hơn 300 bài dự thi gửi về từ sinh viên trên cả nước.
Cuộc thi gồm 3 vòng:
- Vòng Sơ khảo (01/06 – 10/07/2025): Thí sinh gửi 1 video review sản phẩm (60 – 120s) trên TikTok. BTC chọn ra 30 thí sinh vào vòng Bán kết.
- Vòng Bán kết (17/07/2025): Thí sinh bốc thăm chia cặp và livestream trực tiếp trên TikTok với sản phẩm do nhãn hàng cung cấp.
- Vòng Chung kết (22/07/2025): 10 thí sinh xuất sắc nhất sẽ tranh tài qua phiên livestream 60 phút, trực tiếp chốt đơn cùng sản phẩm được tài trợ.
- Lễ trao giải: Sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Gala Dinner Vietnam Ad&Fun 2025 vào ngày /7/2025.
Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 5 triệu đồng, 1 giải Ba trị giá 3 triệu đồng và 7 giải KOS Triển vọng trị giá 1 triệu đồng/giải.