Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học, công nghệ, tuổi trẻ tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò xung kích trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn cuộc sống.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đoàn các cấp, Tháng Thanh niên 2023 đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số".
Kinh tế số hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của cách làm truyền thống bằng nền tảng số, giúp các đoàn viên thanh niên trong quá trình khởi nghiệp gia tăng thu nhập.
Vai trò nòng cốt của thanh niên trong chuyển đổi số
Tốt nghiệp kĩ sư chuyên ngành lọc hóa dầu của Trường Đại học Mỏ- Địa chất, ra trường có 5 năm gắn bó với công việc ổn định mà nhiều người mơ ước tại một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về sản xuất thép nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Hải (ở khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) lại quyết định nghỉ việc, rẽ sang một hướng khác, bắt tay vào khởi nghiệp với các sản phẩm làm từ thảo dược.
Ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Hải đã có niềm đam mê với môn Hóa học. Cậu yêu thích những phản ứng kỳ diệu, biến đổi chất này thành chất khác, say mê với những xúc tác, công thức hóa học, những chai lọ trong phòng thí nghiệm.
Bởi vậy, khi bước chân vào giảng đường Đại học, ngoài những giờ lên lớp theo học chuyên ngành, Hải vẫn dành khoảng thời gian rảnh để học tập, nghiên cứu các loại cây dược liệu cũng như cách chế biến những loại cây này thành các sản phẩm tinh dầu và nước cất.
Điều may mắn là chuyên ngành Hải theo học có khá nhiều kiến thức liên quan đến vấn đề này. Năm 20, Hải tốt nghiệp Đại học và được nhận về làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài. Ban đầu, Hải rất thích với công việc này nhưng sau 5 năm gắn bó, cảm thấy có nhiều áp lực lại càng làm cho ý định chuyển hướng, tìm một kế hoạch kinh doanh cho bản thân của chàng thanh niên trẻ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bản thân Hải rất thích những sản phẩm đến từ thiên nhiên, thích tận dụng những loại hoa cỏ có dược tính. Bởi vậy, Hải lên ý tưởng thử sức mình ở mảng sản phẩm thảo dược ứng dụng trong cuộc sống.
Năm 2020, Hải quyết định nghỉ việc trở về quê để bắt tay vào ý tưởng xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm thảo dược hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Thấy con trai quyết tâm, bố mẹ Hải cũng đồng lòng ủng hộ gom góp vốn liếng mua sắm máy móc, xây dựng nhà kho.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, ngoài việc thu mua các cây thuốc bà con đi hái ngoài tự nhiên, Hải tìm đến các hộ dân có đất canh tác rộng trong và ngoài địa bàn thị xã Hoàng Mai để kí kết hợp đồng thu mua nguyên liệu các loại cây như hoa sen, tía tô, lá lốt, ngải cứu, bưởi. Do vậy, nhiều hộ dân đã có thu nhập thêm từ việc cải tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng dược liệu cung cấp cho cơ sở của Hải.
Đặc biệt, nếu như trước đây nông dân trồng hoa sen sẽ phải vứt bỏ những bông hoa đã nở quá lứa, hoặc nhà vườn phải vặt bỏ những trái bưởi non, bưởi chua thì đến nay tất cả những sản phẩm này đều được Hải tận dụng thu mua.
Hải cho biết, những hộ dân đã kí kết hợp đồng đều tuân thủ trồng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VIETGAP là không phân hóa học, không chất kích thích, không thuốc trừ sâu và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm diện tích đã kí kết.
Để làm được điều đó, Hải đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình canh tác. Hiện, anh đang nghiên cứu xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây dược liệu, cập nhật nhật ký điện tử để tiện theo dõi.
Để làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Hải đã trải qua không biết bao lần thử nghiệm thất bại. Nhưng với quyết tâm phải theo đuổi đến cùng con đường đã chọn, Hải đăng ký theo học các khóa học về dược liệu và tự mày mò, nghiên cứu thông tin trên sách, mạng internet. Đồng thời kết nối tham gia Group Phát triển doanh nghiệp Việt để học hỏi thêm cách định hướng phát triển sản phẩm.
Hải cho biết, từng công đoạn để chưng cất ra được sản phẩm tinh dầu và nước cất đều quan trọng, từ việc lựa chọn và rửa nguyên liệu cho đến kỹ thuật khi nấu, độ lửa, kỹ thuật pha lượng dầu làm sao để hòa quyện được các thảo dược lại. Mỗi loại thảo dược đều có dược tính riêng, có loại tính hàn, loại lại có tính nóng. Bởi vậy, phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, dung hòa lại mới điều chế ra được sản phẩm chất lượng.
Sau một thời gian thử nghiệm, đầu 2022, cơ sở Gió Quê của Nguyễn Hồng Hải đã sản xuất thành công các sản phẩm tinh dầu bưởi, tinh dầu tía tô và nước cất hoa sen, xịt đau lưng, xương khớp, dầu gội…
Để sản phẩm tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi trên thị trường, đến tận tay người tiêu dùng, Hải đã thành lập trang web cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và đang làm quy trình để dán mã vạch cho từng sản phẩm.
Có mã vạch sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng giai đoạn trong chuỗi chế biến sản phẩm và phân phối. Minh bạch thông tin về thương hiệu, các chứng nhận mà doanh nghiệp đang áp dụng.
Nhờ có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và hiệu quả, hiện các sản phẩm làm từ dược liệu của Nguyễn Hồng Hải đang được tiêu thụ trên kênh bán lẻ và một số cửa hàng ở thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và được người tiêu dùng phản hồi tốt.
Doanh thu mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động địa phương. Một số công ty lớn cũng đã kí kết hợp đồng đầu ra và đang chờ hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý một cách đầy đủ nhất.
Anh Hải chia sẻ thêm: “Việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh giúp người sản xuất ngồi ở đâu cũng có thể bán hàng được, chỉ cần phủ sóng mạng internet là đều có thể bán hàng, không nhất thiết như truyền thống phải mang ra chợ. Mặt khác giá thành sản phẩm sẽ giảm do bớt được nhiều chi phí, người tiêu dùng rất hài lòng vì là mua tận tay với người sản xuất”.
Những kết quả không thể phủ nhận của chuyển đổi số mang lại
Chuyển đổi số là hoạt động mang tính tổng thể, tất yếu và rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia. Hoạt động chuyển đổi số diễn ra ở các lĩnh vực, ngành nghề bao gồm kinh tế, tài chính - ngân hàng…
Không nằm ngoài tiến trình chuyển đổi số chung của nền kinh tế, thời gian gần đây, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được nhà nước quan tâm và ban hành nhiều cơ chế, chính sách.
Theo chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, thành viên Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nộp thuế đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hiện chị là chủ nhà hàng Ánh Dương tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.
Chị Tuyết cho biết: “Nếu như trước đây nộp thuế theo cách truyền thống, các doanh nghiệp, đơn vị, hộ cá nhân kinh doanh muốn nộp thuế buộc phải đến các Cơ quan thuế trực tiếp quản lý để nộp thuế. Việc lên lịch hẹn, sắp xếp hồ sơ giấy tờ, di chuyển, chờ đợi mất rất nhiều thời gian và công sức”.
Hiện nay, khi công nghệ phát triển, dịch vụ nộp thuế điện tử ra đời thì việc nộp thuế cũng đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Doanh nghiệp chỉ cần có mã đăng ký nộp thuế điện tử, liên kết với Ngân hàng thương mại có trong danh sách liên kết cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử thì chỉ cần ngồi một chỗ là đã có thể hoàn thành...
Bên cạnh đó, là nhà hàng lớn nên mỗi ngày lượng hàng nhập vào khá nhiều, lượng khách đông nên chị cũng sử dụng phần mềm bán hàng để kiểm soát một cách tốt nhất từ khâu nhập hàng, xuất kho, quản lý nhân viên.
Nhờ vậy đã tránh được các vấn đề bất cập như thất thoát hàng hóa, báo cáo chậm, rủi ro về tài chính khi quản lý sổ sách, mất thời gian trong quản lý bán hàng. Chỉ với một thiết bị di động như iPad, điện thoại di động… có tích hợp phần mềm bán hàng, toàn bộ hoạt động kinh doanh của nhà hàng đã được cập nhật liên tục trong từng phút giây một cách xác thực nhất. Từ đó, khâu kiểm soát tình hình kinh doanh sẽ dễ dàng hơn, chị Tuyết có thể chủ động điều phối các kế hoạch kinh doanh một cách hợp lý.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục mô hình thanh niên phát triển kinh tế của tuổi trẻ xứ Nghệ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có trên 50 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP của thanh niên.
Có thể thấy phong trào khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên vẫn đang gặp không ít những thách thức khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số đang đòi hỏi sự thay đổi, thích ứng để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, KHCN trong sản xuất, kinh doanh, Thị đoàn Hoàng Mai đã triển khai nhiều giải pháp. Tổ chức các hội nghị tập huấn hỗ trợ thanh niên bồi dưỡng nhận thức, kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho thanh niên là chủ các mô hình kinh tế.
Hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số. Một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của thanh niên đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và hướng dẫn dán tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông thủy sản.
Đồng thời, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Kết nối các Công ty, doanh nghiệp tư vấn việc làm cho thanh niên.
Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Đức- Bí thư Thị đoàn Hoàng Mai cho biết: “Trong thời gian qua, Thị đoàn Hoàng Mai đã nỗ lực hỗ trợ các thành viên của Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP của thị xã lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời tiếp cận các nguồn vốn giải quyết việc làm để đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số”.
Có thể thấy sự nhanh nhạy cùng thế mạnh về am hiểu công nghệ thông tin, thanh niên xứ Nghệ đang tích cực phát huy vai trò của thanh niên tham gia tích cực hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng cũng như tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của tổ chức đoàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.