Đời sống

Bài 2: Khí phách Tây Nguyên

Lê Hiếu 07/05/2025 - 06:50

Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi mỗi ngọn núi, dòng sông đều thấm đẫm mồ hôi và máu của những người con núi rừng.

logo-.png
logo-khi-phach-tay-nguyen.png
sapo-bai-2.png
tit-phu.png

Khi bóng đêm thực dân Pháp bao trùm lên dải đất hình chữ S, Tây Nguyên không cam chịu phận tôi đòi. Lòng yêu nước, khát vọng tự do đã bùng lên mạnh mẽ trong trái tim của các tiểu vương, tù trưởng và đồng bào các dân tộc. Dẫu vũ khí chỉ là giáo mác, cung tên, dù lực lượng mỏng, nhưng với tinh thần "thà chết không làm nô lệ", họ đã nhất tề đứng lên, tạo thành những làn sóng phản kháng mạnh mẽ chống lại xiềng xích tàn bạo.

Điển hình có Cuộc khởi nghĩa N’Trang Gưh (1887 - 1913); Cuộc khởi nghĩa Ama Jhao (1889 - 1905); Phong trào đấu tranh chống Pháp của giới công chức, viên chức Buôn Ma Thuột (1925 - 1926) do Y Jút H'Wing và Y Út Niê lãnh đạo.

nha-tu-bmt.png

Trong những trang sử hào hùng ấy, không thể không nhắc đến cuộc nổi dậy kéo dài gần nửa thế kỷ (1912-1935) dưới ngọn cờ chỉ huy của anh hùng Nơ Trang Lơng. Tiếng tù và, tiếng trống trận thôi thúc vang dội khắp núi rừng, quy tụ sức mạnh đoàn kết của nhiều dân tộc anh em trên địa bàn rộng lớn, khiến quân Pháp nhiều phen kinh hồn bạt vía, hứng chịu tổn thất nặng nề. Cuộc chiến đấu trường kỳ ấy đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần bất khuất và ý chí sắt đá của các dân tộc Tây Nguyên, làm chấn động cả bộ máy cai trị tàn bạo của thực dân.

hanh-trinh-ve-voi-dia-chi-do-cua-cac-ban-hoc-sinh.png
Thanh thiếu niên Đắk Lắk và hành trình về địa chỉ đỏ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đứng giữa vòng vây và sự tàn bạo của kẻ thù, nhiều cơ sở cách mạng vẫn bí mật bén rễ, lớn mạnh ngay trong lòng địch. Điển hình có Nhà đày Buôn Ma Thuột, do đế quốc Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 - 1931 với mục đích chính là để đày ải và thủ tiêu tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ. Nhưng chính nơi đây lại đánh dấu sự ra đời Đảng bộ tỉnh (ngày 23/11/1940), nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở Đắk Lắk.

nhung-nguoi-con-uu-tu.png

Và rồi, những người con ưu tú các dân tộc thiểu số, từng làm việc trong bộ máy chính quyền thực dân, đã được giác ngộ, cảm hóa, trở thành những cán bộ cách mạng kiên trung, có uy tín lớn đối với đồng bào. Những cái tên như Y Blốk Êban, Y Bih Alê Ô, Ka Nơng Y Bun (Ama Khê), Y Wang Mlô Duôn Du... đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc và lòng trung thành với cách mạng.

Nhận thấy thời cơ đến, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22/8/1945, người con ưu tú của núi rừng Y Blốk Êban dẫn đầu Trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của chính quyền thân Nhật ở Đắk Lắk trong “Lễ mừng độc lập” tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng và giành chính quyền về tay Nhân dân.

y-thach.png

Đại tá Kpă Y Thạch, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk, con trai của anh hùng LLVT Y Blốk Êban, vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên, chia sẻ: “Cha tôi chưa từng kể về hành trình cách mạng, tôi chỉ biết sơ lược rằng cha tôi bị Pháp bắt đi lính khố xanh rồi giác ngộ lý tưởng, đi theo cách mạng. Chính vì vậy, tôi đã phải tự mình "gom nhặt", chắp nối từng mảnh tư liệu về cuộc đời, chiến công và những cống hiến của cha, xem đó là trách nhiệm để lưu giữ cho con cháu sau này.”

sapo-bai-2-1-.png

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), non sông tạm chia cắt, Tây Nguyên một lần nữa khẳng định vị thế pháo đài cách mạng vững chắc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phát huy truyền thống cha ông, Đảng bộ và quân dân các dân tộc Đắk Lắk đã son sắt một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, kiên cường bám đất, bám làng, chiến đấu ngoan cường vì ngày độc lập và thống nhất đất nước.

cd-bmt2.png

Đỉnh cao của khí phách Tây Nguyên chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử ngày 10/3/1975 – một trận đánh làm rung chuyển cả chiến trường miền Nam. Với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của địch, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

cd-bmt1.png
cd-bmt3.png
cd-bmt4.png
cd-bmt5.png
cd-bmt6.png
cd-bmt7.png

Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Hồ Quảng Trị (SN 1942, lúc đó là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng D2), người được giao nhiệm vụ đánh chiếm tổng kho Mai Hắc Đế, kể: "Hệ thống phòng ngự của địch thật khủng khiếp. Vòng ngoài là trùng điệp 5 đến 10 lớp rào thép gai, giữa các lớp là bãi mìn hỗn hợp. Vượt qua được là đối mặt với đường tuần tra dày đặc lô cốt hai tầng. Bên trong, hàng rào tôn cao vút, sáng rực ánh đèn, rồi hào chống đặc công sâu hoắm đầy chông mìn. Xe bọc thép gắn đèn pha, đại liên tuần tiễu không ngừng, cùng chòi canh, ụ súng... Rạng sáng 10/3/1975, tiểu đoàn của tôi đã nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ khai hỏa khối bộc phá 2kg ngay tại Sở chỉ huy kho Mai Hắc Đế. Đòn đánh bí mật, bất ngờ đã khiến ngụy quân, ngụy quyền hoàn toàn tê liệt”.

ho-quang-tri.png

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp 273; nguyên Tư lệnh Quân khu 4; tham gia Chiến dịch Tây Nguyên 1975; người trực tiếp chỉ huy Đại đội 9, Trung đoàn xe tăng 273, Chỉ huy trưởng chiếc xe tăng 980, chia sẻ: "Chính tại nơi đây, nửa thế kỷ trước, đã diễn ra một trận đánh vô cùng cam go, ác liệt. Đại đội chúng tôi khi ấy nhận nhiệm vụ tiến công từ hướng Tây, không đánh vòng ngoài mà thọc thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch, rồi từ vị trí trung tâm đó đánh bung ra. Đó là cách đánh táo bạo, gọi là chiến thuật "nở hoa trong lòng địch". Chính nhờ chiến thuật này, chúng tôi đã nhanh chóng chiếm lĩnh và làm chủ được Sở chỉ huy Sư đoàn 23, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch từ bên trong, tạo điều kiện cho các mũi tiến công khác chiếm được Buôn Ma Thuột nhanh chóng".

doan-sinh-huong.png

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, cho ý chí chiến đấu quật cường và sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Nó là kết quả của sự hy sinh không tiếc máu xương của bao thế hệ người con Tây Nguyên, sự đồng lòng nhất trí giữa các dân tộc anh em.

cuu-chien-binh.png

Từ những cuộc nổi dậy lẻ tẻ chống Pháp đến cuộc kháng chiến toàn diện chống Mỹ, khí phách Tây Nguyên đã không ngừng được tôi luyện và tỏa sáng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

daklak-cung-ca-nuoc-ky-niem-50-nam.png

Những trang sử hào hùng đã khép lại, nhưng tinh thần bất khuất, ý chí độc lập của Tây Nguyên còn sống mãi, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Tây Nguyên đang vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới. Nhưng khí phách quật cường của cha ông vẫn chảy trong trong tâm hồn của mỗi người con núi rừng. Nó là ngọn lửa thiêng, là sức mạnh nội sinh, là động lực tinh thần to lớn để Đắk Lắk cùng cả nước vững bước xây dựng tương lai ấm no, hạnh phúc.

tuoi-tre-daklak-doi-doi-nho-on.png
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi 2: Khí phách Tây Nguyên