Đời sống

Bản đồ Thổ nhưỡng giúp khai phá huyện nghèo Mường Lát

Thanh Phương 31/07/2023 - :38

Trong suốt một thời gian dài, Thanh Hóa đã đầu tư nhiều chính sách, nguồn vốn cho các vùng miền núi, nhất là Mường Lát để xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên các cây trồng, vật nuôi có vòng đời ngắn, không mang lại hiệu quả. Việc chuyển giao bản đồ Thổ nhưỡng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa để vùng biên này phát triển.

Ngày 31/7, thông tin từ Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Đình Hải cho biết, đã hoàn thành và chuyển giao bản đồ thổ nhưỡng - chứa đựng các thông tin về số lượng, sự phân bố không gian, đặc điểm chất lượng cùng đặc điểm sử dụng của từng loại đất, sau đó là bản đồ nông hoá phản ánh thực trạng độ phì của từng khoảnh đất thông qua một số chỉ tiêu nông hoá học... cho huyện Mường Lát.

a1ml.jpg
Do thói quen canh tác, địa hình, khí hậu nên đất đai Mường Lát bị bạc màu

Đây là những thông tin quan trọng không chỉ phục vụ thống kê tài nguyên, hoạch định chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế - xã hội của từng đơn vị lãnh thổ mà còn giúp người trực tiếp sản xuất biết được cần bố trí cây gì, vào thời vụ nào, đầu tư vật chất và chăm sóc ra sao... để đạt được hiệu quả cao nhất trên ruộng đất của mình.

a2ml.jpg
Nhiều diện tích đất trống, đồi trọc đang bị hoang hóa

Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên khoảng 81,2 nghìn ha, gồm hầu hết là đất đồi núi dốc, địa hình chia cắt, hiểm trở với 85,2% diện tích được che phủ bởi rừng đầu nguồn. Vì thực tế này, tu bổ, bảo vệ phát triển diện tích rừng hiện có, sử dụng bền vững, hiệu quả cao rừng sản xuất là nhiệm vụ cấp thiết trong quản lý sử dụng tài nguyên của huyện.

a4ml.jpg
Công bố bản đồ Thổ nhưỡng giúp cho chính quyền, người dân chủ động cây trồng, chăn nuôi

Điều tra bổ sung, chỉnh lý, thành lập bản đồ Thổ nhưỡng-Nông hóa tỷ lệ 1/10.000 của 8 xã/thị trấn thuộc huyện và tỷ lệ 1/25.000 huyện Mường Lát, nhằm kiểm kê số lượng, xác định chất lượng tài nguyên đất, làm căn cứ đánh giá phân hạng mức độ thích hợp của đất đai với một số cây trồng (trọng tâm là cây trồng rừng).

Trước mắt, phục vụ xây dựng đề án “Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” và về lâu dài, phục vụ quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất đai của huyện.

a3ml.jpg
Cây trẩu đang được đưa vào trồng tại nhiều khu vực trên địa bàn Mường Lát 

Ngoài tên đất, các yếu tố đi kèm ở mỗi khoanh đất (gồm độ dốc địa hình, độ dày tầng đất mịn, thành phần cơ giới lớp đất mặt, tỷ lệ kết von, đá lẫn và độ sâu xuất hiện, hay địa hình tương đối (với đất đồng bằng, thung lũng, đất ruộng bậc thang) … và chỉ tiêu phân cấp được thực hiện thống nhất theo quy trình điều tra.

Viện Nông nghiệp và các chuyên gia Thổ nhưỡng và Sử dụng đất nông nghiệp thuộc Hội Khoa học đất Việt Nam, cán bộ chuyên môn thuộc huyện Mường Lát đã tiến hành lấy hàng nghìn mẫu đất, thu thập dữ liệu khí hậu, tập quán sản xuất chia thành 3 nhóm (Nhóm đất phù sa; Nhóm đất đỏ vàng; Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi) với 9 loại đất, có độ dốc cao trên 25 độ chiếm gần 70%; độ dày tầng đất mịn mỏng với 79,23%. Đất khá giàu chất hữu cơ tổng số và Kali trao đổi, Dung tích hấp thu Cation trung bình khá nhưng có nhược điểm là chua và nghèo lân dễ tiêu…

a7ml.jpg
Lượng mưa tại Mường Lát rất ít, người dân được khuyến cáo trồng cây, giống lúa chịu được hạn

Bản đồ Thổ nhưỡng- Nông hóa được xem là chiếc chìa khóa để huyện Mường Lát triển khai trồng các loại cây trên từng khu đất cho phù hợp với loại đất, khí hậu. Cũng như giúp việc chăn nuôi thích ứng với các kiểu khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Mường Lát xác định 3 chương trình trọng tâm là: Quy hoạch lại vùng sản xuất, để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phát triển một số cây trồng chủ lực gỗ lớn như lát, trẩu, thông... và các loại cây ăn quả như đào, mận, chuối; rau, củ, quả, các cây dược liệu, gắn với phát triển chăn nuôi.

a6ml.jpg
Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Đình Hải trao đổi với PV

Huy động nguồn lực tổng hợp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo môi trường ổn định lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo điều tra xã hội học mới nhất, toàn huyện có khoảng 8.800 hộ dân (41.000 nhân khẩu), trong đó hơn 65% là hộ nghèo, cận nghèo. Nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thời tiết, khi được mùa thì bị tiểu thương, người thu mua ép giá. Chăn nuôi thường xảy ra dịch bệnh do người dân không có kiến thức chăm sóc. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2023 ước đạt 25,02 triệu đồng.

a5ml.jpg
Cần có sinh kế để người dân tự lực xóa đói, giảm nghèo trên mảnh đất Mường Lát

Kết quả, qua kiểm tra rà soát hiện nay trên toàn huyện Mường Lát có 8.000,78ha đất trống (trong đó: Đất canh tác nương rẫy luân phiên 1.718,50ha; đất trống sau khai thác rừng trồng, hiện nay nhân dân đang làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp 6.283,28ha). Diện tích đất trống này cần phải đầu tư trồng cây lâm nghiệp theo đúng mục đích sử dụng đất.

Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Đình Hải cho hay: Xác định Mường Lát là địa phương có vị trí rất quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU để phát triển Mường Lát. Việc công bố bản đồ Thổ nhưỡng sẽ giúp cho chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn nhận, đánh giá hết tiềm năng cũng như hạn chế của đất đai, khí hậu để triển khai trồng, chăn nuôi phù hợp với từng khu vực khác nhau.

a8ml.jpg
Bản đồ Thổ nhưỡng mở ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp bền vững

Mục tiêu chung đến năm 2030 đó là, xây dựng và phát triển huyện Mường Lát trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, có một số sản phẩm đặc sản; khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo. Đến năm 2045, kinh tế- xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Mường Lát là huyện biên giới của xứ Thanh, một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Nơi đây là mái nhà chung của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh. Địa phương muốn thoát nghèo bền vững thì phải có cuộc cách mạng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Chỉ khi phá bỏ được thành trì trông chờ, ỷ lại thì người dân mới tự tìm tòi, học hỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản đồ Thổ nhưỡng giúp khai phá huyện nghèo Mường Lát