Hồ sơ vụ án

“Bánh vẽ” của cựu Trưởng phòng Cục An ninh điều tra trong vụ "chuyến bay giải cứu"

Việt An 05/04/2023 - 20:49

Từng là điều tra viên thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu", Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin với Nguyễn Anh Tuấn, (nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội), "bật đèn xanh" cho đối tượng bị điều tra chi tiền để lo lót nhằm không bị xử lý hình sự.

Như Báo Công lý đã thông tin, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố 54 bị can về các tội danh: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến "chuyến bay giải cứu".

covid-19.jpg
Công dân Việt Nam về nước trên "chuyến bay giải cứu"

Đáng chú ý, trong số 54 bị can có bị can Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lý chính đối với vụ án “chuyến bay giải cứu” bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Theo kết luận, để được cấp phép, phê duyệt các chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về Việt Nam cách ly phòng dịch Covid – 19, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh (Blue Sky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc đã liên hệ, gặp gỡ, đưa hối lộ cho nhiều cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.

Quá trình xác minh ban đầu cho thấy, trước khi khởi tố vụ án, Cục nghiệp vụ Bộ Công an tiếp xúc, động viên Nguyễn Thị Thanh Hằng nếu có hành vi đưa hối lộ trong quá trình tổ chức các chuyến bay thì chủ động ra tự thú để được hưởng khoan hồng.

Hằng đã có ý định ra tự thú, tuy nhiên, do lo sợ bị xử lý hình sự và sẵn có mỗi quan hệ với Nguyễn Anh Tuấn (thời điểm này đang là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nên Hằng đã bàn bạc, thống nhất với Lê Hồng Sơn nhờ ông Tuấn tìm mối quan hệ can thiệp, giúp đỡ, lo lót cho cả Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Do ông Tuấn có mối quan hệ với Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) nên nhờ Hưng giúp đỡ và tổ chức cho Hưng gặp gỡ Hằng tại nhà riêng của mình.

Kết luận điều tra xác định, giai đoạn là Trưởng phòng Phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lý chính đối với vụ án "chuyến bay giải cứu", ông Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin điều tra vụ án với Nguyễn Anh Tuấn, (người không có trách nhiệm liên quan trong vụ án).

Hưng đã thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn về việc điều tra, xử lý đối với đối tượng điều tra là Nguyễn Thị Thanh Hằng, và Lê Hồng Sơn.

Ngoài ra, Hưng còn gặp gỡ Hằng (là đối tượng đang bị điều tra) thông qua Tuấn ngoài trụ sở làm việc, không báo cáo với lãnh đạo có thẩm quyền.

Hưng đã hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên để không bị xử lý hình.

“Mặc dù không có đủ tài liệu chứng cứ kết luận Hoàng Văn Hưng đã nhận tiền trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra coi “lợi dụng chức vụ quyền hạn” là tình tiết tăng nặng khi truy tố đối với Hưng về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’”, kết luận điều tra nêu.

Ở giai đoạn sau , khi Hưng bị điều chuyển công tác từ vị trí Trưởng phòng Phòng điều tra sang Trưởng phòng Phòng Chính trị Hậu cần Cục An ninh điều tra Bộ Công an.

Mặc dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý vụ án nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Trưởng phòng  Cục An ninh điều tra, Hưng đã nắm được một số thông tin liên quan đến vụ án cung cấp cho Hằng và Nguyễn Anh Tuấn để tạo niềm tin.

Hưng liên hệ nhiều lần với Tuấn để trao đổi về việc “chạy án’ cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Sau đó, thông qua Tuấn, Hưng đã nhiều lần gặp Hằng để tiếp tục hướng dẫn cách khai báo với điều tra viên, đồng thời "gợi ý" chi tiền cho các cá nhân ở Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và Cục nghiệp vụ Bộ Công an để các đơn vị, cá nhân này ủng hộ quan điểm không xử lý hình sự Hằng và Sơn.

Hưng còn nói dối mình vẫn "kiểm soát được tình hình" đối với việc điều tra, xử lý vụ án,  vẫn là người chỉ đạo điều tra và trực tiếp báo cáo, đề xuất chủ trương xử lý vụ án.

Hưng sau đó đã nhận 800.000 USD (tương đương gần 19 tỉ đồng) từ Hằng thông qua Tuấn.

Theo lời khai của Tuấn và Hằng, giai đoạn Hưng bị điều chuyển công tác, từ ngày 16/9/2022 đến ngày 1/12/2022 Hằng đã đưa cho Tuấn tổng cộng 1 triệu USD để Tuấn đưa cho Hưng.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định chỉ có đủ căn cứ kết luận Hưng đã 2 lần nhận tổng cộng 800.000 USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng) từ Nguyễn Thị Thanh Hằng thông qua Nguyễn Anh Tuấn.

Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an: Trong vụ án “chuyến bay giải cứu” có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục: Có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, (VPCP), Tổ công tác 4 Bộ/5Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bánh vẽ” của cựu Trưởng phng Cục An ninh điều tra trong vụ "chuyến bay giải cứu"