Bộ Ngoại giao tối 13/2 cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đn 76 cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phng sang tham gia cứu hộ, cứu nạn v liên hệ với cơ quan an ninh sở tại để c biện pháp bảo đảm an ton cho đon.
Liên quan tới công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 13/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đón 76 cán bộ, chiến sỹ bộ đội Việt Nam sang tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và liên hệ với cơ quan an ninh sở tại để có biện pháp bảo đảm an toàn cho đoàn công tác Việt Nam mới sang.
Các chiến sĩ Việt Nam lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Đại sứ quán cũng đã phối hợp với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại bổ sung thêm phiên dịch cho hai đoàn công tác của Việt Nam để đảm bảo hiệu quả tác nghiệp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria cho biết đến nay vẫn chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong vụ động đất.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục hỗ trợ tài chính và quần áo ấm cho một số gia đình công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động, kịp thời hỗ trợ công dân và đoàn công tác ở mức cao nhất.
* Cũng trong đêm 13/2 (giờ địa phương), từ thủ đô Istanbul, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên chuyến bay đến thành phố Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ kỳ để thực hiện nhiệm vụ quốc tế cứu hộ nạn nhân sau thảm họa động đất.
Thành phố tự trị Hatay ở cực nam Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên bờ Địa Trung Hải, giáp với các tỉnh Latakia, Idlib, Aleppo của Syria ở phía Nam và phía Đông. Thành phố này nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa động đất hôm 6/2.
Sau khi đến Hatay, đoàn nhanh chóng phối hợp với lực lượng cứu nạn quốc tế khác tìm kiếm cứu nạn dưới đống đổ nát, các tòa nhà bị sập cũng như cung cấp hỗ trợ y tế cho nạn nhân động đất.
Theo phân công, trước mắt nhóm công binh sẽ đào bới các tòa nhà để tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi, đi cùng có một nhóm quân y hỗ trợ cấp cứu tại hiện trường. Lực lượng quân y còn lại sẽ đón, điều trị, băng bó vết thương cho các nạn nhân.
Trước đó, vào sáng 13/2 (giờ địa phương), đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất phát từ Hà Nội đã đáp chuyến bay xuống sân bay Istanbul, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại, đoàn Việt Nam có 100 chiến sĩ thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm người mắc kẹt.
Cùng với Việt Nam, đã có 70 quốc gia với hơn 8.000 nhân viên cứu hộ đang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
* Ngày 13/2 là ngày làm việc thứ ba của đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam là cuộc chạy đua với thời gian và tử thần, với mục tiêu là cứu được những người còn sống tại các đống đổ nát.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), Trưởng đoàn công tác, cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn của đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam được tiến hành tại một địa điểm mới. Nhiệm vụ chủ yếu của đoàn vẫn là tiến hành việc tìm kiếm, rà soát, xem có còn sự sống trong khu vực đổ nát hay không.
Trong trường hợp phát hiện thấy sự sống, đoàn công tác sẽ tiến hành phối hợp với các lực lượng để bàn phương án hợp lý nhất, tránh tác động sập đổ tiếp theo gây nguy hiểm cho người bị nạn. Còn nếu không phát hiện thấy sự sống, đoàn vẫn tiếp tục sử dụng các phương tiện cơ giới như máy xúc, máy đào để có thể thực hiện việc tiếp cận nơi người bị nạn có thể đã tử vong.
Về tiến độ thực hiện việc cứu trợ hiện nay, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh rất nhiều quốc gia đã đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và việc hỗ trợ này được thực hiện ở nhiều vị trí, nhiều nơi và nhiều tỉnh, thành phố. Riêng tại thành phố mà đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an đang công tác, đoàn đang phối hợp để cùng thực hiện nhiệm vụ với các đội cứu nạn cứu hộ của Trung Quốc, Pakistan, Uzbekistan. Đến lúc này, do nhiều công trình sập đổ, với quy mô khá lớn, nên các lực lượng cứu nạn cứu hộ bắt buộc phải sử dụng máy đào, máy múc để thực hiện việc cào xới ra từng tấm bê tông, những bụi, mạt nhằm có thể tìm ra vị trí của người bị nạn.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, công tác tìm kiếm nạn nhân ở tất cả các vị trí, các khu vực đều được các lực lượng vẫn tiếp tục tiến hành và được thực hiện với tinh thần khẩn trương, tích cực, với mục tiêu là có thể cứu sống được người nào đó trong khu vực sập đổ hoặc là những khu vực bị vùi lấp.
Thành phố Adiyaman - địa phương mà đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ - là một trong 3 vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất sáng 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn Việt Nam đã phối hợp với lực lượng quốc tế giải cứu được nhiều nạn nhân ngay từ những ngày đầu triển khai công tác.