Ngày 21/9, thông tin từ Trưởng Ban Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hoá Nguyễn Tiến Hiệu cho biết, có 1 tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ cho kỳ bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, quá trình đang vượt tiến độ.
“Chúng tôi đã thành lập 1 tổ công tác đặc biệt phối hợp với các đơn vị có liên quan để hỗ trợ cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là các nhà thầu, một số hạng mục công việc lớn trong kỳ bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất nhà máy đang triển khai vượt tiến độ. Nhà máy có thể xuất bán sản phẩm trở lại sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Đó là điều rất phấn khởi”, ông Hiệu nói.
Theo tính toán, sau 22 ngày từ khi tạm dừng sản xuất (25/8) tiến độ bảo dưỡng tổng thể nhà máy đã đạt trên 70% kế hoạch, đảm bảo điều kiện để vận hành an toàn trở lại khu vực xuất bán xăng dầu.
Do đó, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể xuất bán xăng dầu ngay từ ngày 20/9, tuy nhiên hiện đối tác vẫn chưa đến bơm xăng dầu. Lượng xăng dầu xuất bán được lấy từ nguồn dự trữ tại các bồn bể, gồm 75.000 mét khối dầu diesel và 9.000 mét khối xăng. Lượng xăng dầu này chủ yếu tiêu thu cho thị trường địa phương.
Với tiến độ bảo dưỡng hiện tại, từ khoảng ngày 7, 8/10 thì phân xưởng xử lý dầu thô, chưng cất dầu thô đầu vào có thể khởi động lại và dự kiến khoảng ngày /10 thì phân xưởng dầu thô và 1 số phân xưởng công nghệ khác bắt đầu từng bước có lại sản phẩm.
Các cơ quan chức năng đã cấp phép cho hơn 400 chuyên gia, lao động người nước ngoài và khoảng 5.000 lao động từ nhiều địa phương khác phục vụ cho công tác bảo dưỡng. Công an tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án chi tiết cho việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trước, trong và sau khi bảo dưỡng.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Anh Phát Petro, PVOil, Petrolimex Thanh Hóa… đang tích cực làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn PVNDP để chuẩn bị sớm nhất cho việc lấy hàng từ Nhà máy, đáp ứng nhu cầu xăng, dầu trên thị trường.
Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm xây dựng cũng như hiện nay. Đây là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực, với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Từ khi đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Bên cạnh các sản phẩm chủ lực là lọc dầu, như: khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa... một số sản phẩm hóa dầu như: Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh... cũng đã được sản xuất, xuất bán ra thị trường.
Các sản phẩm hóa dầu này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chế biến để sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tuy có những thời điểm khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Năm 2022, ngành dầu khí gặp thách thức lớn do ảnh hưởng của tình hình thế giới tác động đến giá dầu thô và chênh lệch giá sản phẩm. Tuy nhiên, với các phương án sản xuất linh hoạt và tái cấu trúc kịp thời, các mục tiêu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt 88% kế hoạch đặt ra với 8,9 triệu tấn dầu thô nhập khẩu, xuất bán hơn 6.081 tấn sản phẩm lọc dầu, 900 tấn sản phẩm hóa dầu và một số sản phẩm khác, đóng góp 80% trong thuế xuất nhập khẩu của Thanh Hóa.
Trong giai đoạn 2018-2021, công ty đã đóng góp hơn 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế trong nước và tiết kiệm hơn 260 triệu USD nhờ cắt giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác.
Để giảm thiểu tác động của việc tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn, chủ đầu tư đã chủ động triển khai sớm các phương án nhằm xúc tiến khẩn trương quá trình bảo dưỡng, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng mà vẫn bảo đảm chất lượng của công tác bảo dưỡng.
Cùng với đó, nhà đầu tư đang phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để bảo đảm công tác bảo dưỡng tổng thể của nhà máy không ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xăng, dầu trong nước cũng như người tiêu dùng.