Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Mai Thoa| 05/03/20 21:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 5/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên ton thể lần thứ thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình,các Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào và Nguyễn Sơn; Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba cùng đại diện một số cơ quan ban, ngành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì phiên họp.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Quán triệt những quan điểm chủ đạo

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đã trình bày Tờ trình Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo đó, thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) cho thấy nhiều quy định của Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các vụ việc dân sự (như các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, cung cấp chứng cứ và quyền tiếp cận chứng cứ, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm chưa đảm bảo tranh tụng trong xét xử; căn cứ, thẩm quyền kháng nghị trong thủ tục giám đốc thẩm chưa thực sự phù hợp).

Việc soạn thảo BLTTDS đã quán triệt những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp (CCTP) theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) có 477 điều, 37 chương, so với Bộ luật hiện hành, BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên 233 điều, sửa đổi 177 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều;...

Thẩm tra dự án Luật này, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá, nhìn chung Dự án Luật đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, cơ bản đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau như Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, Nhóm nghiên cứu tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và quy định của Luật Tổ chức Tòa án 2014 về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” và coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự. Theo nguyên tắc này thì tranh tụng không chỉ được tiến hành tại phiên tòa mà còn được mở rộng cả trong quá trình xét xử, trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên tắc này cần được thể hiện ngay từ khi Tòa án thụ lý cho đến khi kết thúc việc xét xử; đảm bảo cho các bên đương sự được tự do đưa ra chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc bào chữa. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên đương sự phải được thông báo về giấy tờ, tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa.

Về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Nhóm nghiên cứu tán thành với loại ý kiến thứ nhất mà Dự thảo Bộ luật thể hiện theo hướng này là tiếp tục giữ quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong BLTTBS hiện hành, nhưng không quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy, sửa quyết định của mình mà chỉ kết luận trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Vấn đề này đã được Quốc hội khóa XII xem xét kỹ lưỡng khi thông qua BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như giải quyết khiếu nại của TANDTC mà có căn cứ khẳng định Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng do BLTTDS 2004 không có quy định cơ chế khắc phục nên không xử lý được.

Cơ chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị cơ quan trình Dự thảo Bộ luật là TANDTC làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các vấn đề như: kinh nghiệm quốc tế về trình tự xét xử phúc thẩm lần 2, hiện nay có nước nào áp dụng; Cơ chế đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;....

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, một số nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản cũng đã áp dụng thành công phương pháp này và có thể khắc phục được tình trạng khiếu kiện kéo dài. Đây là phương pháp hay chúng ta nên xem xét có nên đưa vào hay không?

Về Thủ tục đặc biệt, xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và xem xét việc bồi thường, các ý kiến cho rằng việc quy định cơ chế cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định của mình là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với Luật Tổ chức TAND 2014,...

Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, chúng ta có nguyên tắc xét xử giám đốc thẩm, Hiến pháp cũng quy định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cuối cùng, nhưng qua nhiều kỳ Quốc hội có đặt vấn đề nếu như có oan sai mà dân kêu có xem xét lại hay không? Quốc hội khóa XII cũng đã đưa ra cơ chế đặc biệt này khi sửa đổi BLTTDS năm 2011. Trước đây, khi chưa có quy định này, TANDTC đã có xem xét một số vụ án mà Ủy ban Tư pháp có kiến nghị, có 2 vụ án dân sự, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vấn đề chưa phù hợp nhưng chưa có cơ chế để giải quyết. Nhưng từ khi có Luật sửa đổi năm 2011 đến nay, TANDTC chưa có kháng nghị vụ nào có vi phạm để xem xét lại.

Lệ phí xét đơn giám đốc thẩm có hạn chế quyền công dân hay không? Ban soạn thảo đã họp bàn, thấy rằng, dự án Bộ luật sửa đổi này  nếu như có cơ chế phúc thẩm lần 2 và Quốc hội cho ý kiến đồng ý thì sẽ có khoản phí này (quá trình sửa đổi Bộ luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định thủ tục phúc thẩm lần 2 để áp dụng giải quyết đối với trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm mà đương sự vẫn tiếp tục kháng cáo hoặc VKS kháng nghị). Quyền công dân phải gắn với nghĩa vụ, bởi khi thụ lý đơn giải quyết vụ việc thì cả bộ máy nhà nước phải vận hành. Bên cạnh đó, việc tính toán đến lệ phí nhằm tránh tình trạng kháng nghị tràn lan nên để gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân theo hướng có án phí.

Cơ chế nào để giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng? Gắn với nhiều vấn đề, thứ nhất gắn với việc bản án phúc thẩm, sơ thẩm phải đảm bảo chất lượng. Thứ hai đó là trách nhiệm của công dân, cái nào đúng phải chấp nhận, thứ ba là các thủ tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, việc đề nghị phải căn cứ việc nộp lệ phí để giải quyết. Bên cạnh đó đặt vấn đề xem xét đơn giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm phải có căn cứ; vì có trường hợp đưa đơn để trì hoàn thi hành án.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương Lê Thị Thu Ba cơ bản tán thành Dự thảo Luật; chủ trương thể chế hóa CCTP cơ bản tuân thủ, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Về tuân thủ Hiến pháp vẫn còn một vài điểm chưa rõ. Việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng cơ bản đã đạt nhưng chưa đầy đủ, chỉ tập trung ở giai đoạn sơ thẩm, còn giai đoạn khác chưa được chú ý; một số nội dung về CCTP chưa đạt yêu cầu.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, việc áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự là cần thiết, phù hợp với tinh thần CCTP. Đây cũng là vấn đề tương đối nặng nề khi đặt lên cơ quan tối cao trách nhiệm chọn những bản án mẫu mực để các Thẩm phán áp dụng trong trường hợp pháp luật không điều chỉnh đến. Bởi trước đây cũng đã từng có nhiều vụ án có nội dung tương đồng nhưng mỗi Thẩm phán lại xét xử khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)