Phóng sự - Ghi chép

Biển lại 'nuốt' làng ở Hoằng Hóa

Thanh Phương 14/08/20 - 08:48

Tình trạng biển xâm thực, đánh sập cả bờ kè bê tông kiên cố để ăn sâu vào đất liền đang diễn ra ngày một nghiêm trọng ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Người dân vô cùng lo lắng vì mỗi ngày lại có thêm những gốc phi lao, đoạn đường bị cuốn phăng ra biển. Đấy là những ngày biển lặng còn thế, nếu có bão thì chẳng biết mức độ tàn phá tới đâu.

boke.jpg
Bờ kè bị đánh sập tại thôn Văn Phong

Ngồi nghỉ tay làm bi thuốc lào sau khi đã chằng buộc chiếc mảng đánh bắt thủy sản gần bờ, ông Trương Đình Cử (57 tuổi, ngư dân thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường) đăm đăm nhìn ra bờ biển. Với tốc độ tàn phá của sóng, chẳng biết còn bao lâu khu neo đậu bè, mảng của ngư dân sẽ bị cuốn ra biển. Ở cái đất này, du lịch đang lên ngôi, những khoảng đất trống cho tàu bè neo đậu ngày một ít đi.

nguoidan.jpg
Người dân chằng, buộc bè mảng

“Vài tháng trở lại đây, sóng biển lồng vào trong bờ kè cuốn lớp cát, đất ra ngoài. Mất lớp tựa, bờ kè chỉ có ít sắt để chống đỡ, lâu ngày sẽ sụp xuống từng mảng này tới mảng khác và tiếp tục lan rộng. Một số đoạn sắt chòi ra, chọc tua tủa, hoen gỉ rất nguy hiểm cho người dân khi đi lại qua đây”, ông Cử nói.

philao.jpg
Những gốc phi lao bị cuốn xuống biển

Cách khu vực bờ kè đang bị sóng biển bẻ gãy từng mảng, dọc bờ biển về phía bắc, tình trạng xâm thực vào phía trong ngày một sâu. Không khó để thấy lớp gạch xây chắn đã bị đánh sập nằm dưới lớp sóng rì rào. Ngay gần đó là những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi còn trơ lại bộ rễ đen ngòm.

duonggiaothong.jpg
Đường bê giao thông bị cuốn trôi một đoạn

Một phần đoạn đường bê tông chạy dọc bờ biển đã bị sóng moi thủng lớp đất đá phía dưới, chẳng mấy chốc mà sụp xuống. Cứ mỗi khi thủy triều lên kèm theo sóng lớn vỗ lớp lớp vào bờ khiến hàng phi lao “run như cầy sấy”. Số phận của chúng chẳng còn bao lâu sẽ phơi xác dưới làn nước mặn, nếu không có sự can thiệp kịp thời.

xamthuc.jpg
Tình trạng xâm thực ngày một nghiêm trọng

Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) Lê Thanh Cảnh, cho biết: Từ đầu năm 20 đến nay, đoạn bờ biển thuộc thôn Văn Phong và một phần thôn Đại Trường bị xâm thực mạnh. Sóng lớn vỗ ngày đêm đã cuốn trôi nhiều diện tích đất và cây phi lao, đe dọa đến các công trình khu du lịch.

Một số đoạn kè đã bị sóng đánh sập. Chúng tôi đã tiến hành kiểm kê, đo đạc, cắm biển cảnh báo và báo cáo cấp trên xin hướng chỉ đạo. Nếu không có biện pháp can thiệp, gia cố, thì chẳng mấy chốc mà hàng phi lao xanh mướt sẽ bị cuốn trôi. Cùng với đó là tài sản, đất đai dọc bờ biển cũng bị sóng nuốt chửng"...

Sóng xâm thực khiến cả dãy bờ kè tan nát

Được biết, sau trận bão lịch sử năm 2018 đánh sập các bờ kè, đất đai, cây cối xuống biển, cơ quan chức năng đã triển khai dự án kè dọc bờ biển từ xã Hoằng Trường đến xã Hoằng Thanh với số tiền cả trăm tỷ đồng. Nhưng trước sự biến đổi của thiên tai, thất thường của thời tiết, một số đoạn đã bị đánh sập.

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Duy, chuyên viên theo dõi đê điều phòng chống thiên tai huyện Hoằng Hóa, cho hay: Hiện chúng tôi đang ghi nhận việc xâm thực, trước mắt cắm biển cảnh báo, đóng cọc, chất bao tải cát để hạn chế sóng đánh. Tổng diện tích bị xâm thực, ảnh hưởng khoảng 1,3km thuộc thôn Văn Phong, Đại Trường (Hoằng Trường). Trong đó có khoảng 20m bị sụt lún nghiêm trọng khu vực bè mảng neo đậu của ngư dân.

Trước mắt sử dụng các biện pháp thủ công để hạn chế xâm thực, sóng đánh vào bờ. Sau đó tiếp tục theo dõi và báo cáo cấp có thẩm quyền đánh giá tích chất, mức độ ảnh hưởng và phần đất đã giao cho các nhà đầu tư phát triển du lịch. Trên cơ sở đó lấp dự án để gia cố, xây dựng bờ kè đảm bảo an toàn cho khu neo đậu tàu, thuyền và các công trình của nhà nước, nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển lại 'nuốt' lng ở Hoằng Ha