Chính trị

Bộ Công an tiếp tục sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Việt An 20/05/2025 10:36

Dự kiến, trong tháng 6/2025, Tổ Công tác số 6 của Bộ Công an sẽ đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi. Đây là những sỹ quan được tuyển chọn có bản lĩnh, năng lực, trình độ, sự sáng tạo và hội nhập nhanh vào môi trường làm việc của Liên hợp quốc.

Thông tin trên được Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang, Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại A01 - Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí Trung ương sáng nay (20/5).

Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ

Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2022 đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã cử 5 Tổ Công tác tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

cong-an-viet-nam-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-tai-lien-hop-quoc.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng động viên các sĩ quan trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc

Trong đó, tổ Công tác số 1 có 3 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan, từ tháng 10/2022 đến tháng 04/20.

Tổ Công tác số 2, gồm 3 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan, từ tháng 08/2023 đến tháng 02/2025.

Tổ Công tác số 3, gồm 3 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei (Khu vực giáp ranh giữa Nam Sudan và Sudan), từ tháng 06/20 đến nay.

Tổ Công tác số 4, gồm 03 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan từ tháng 06/20 đến nay.

Tổ Công tác số 5, gồm cán bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan tháng 04/2025 vừa qua.

Trong 5 Tổ Công tác trên, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải là sĩ quan đầu tiên của Bộ Công an được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (New York - Hoa Kỳ) từ tháng 08/2022 cho đến nay.

Dự kiến, tháng 6/2025, Tổ Công tác số 6, gồm 6 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi. Đồng thời, cử sĩ quan tham gia ứng tuyển các vị trí làm việc tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc.

Trung tướng Nguyễn Sỹ Quang đánh giá, tuy mới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhưng Bộ Công an đã có những bước tiến nhanh, vững chắc; khẳng định sự lớn mạnh, tham gia sâu rộng, hiệu quả vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế hoan nghênh, ủng hộ.

“Các sĩ quan của Bộ Công an được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực, trình độ, sự sáng tạo và hội nhập nhanh vào môi trường làm việc của Liên hợp quốc, đa quốc gia, đa văn hóa; luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; được lãnh đạo Phái bộ UNMISS, UNISFA đánh giá cao và bổ nhiệm các vị trí quan trọng, như: Chánh Văn phòng kiêm trợ lý đặc biệt cho Tư lệnh Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình trụ sở Liên hợp quốc (New York - Hoa Kỳ); Trưởng Văn phòng Cảnh sát TORIT, Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan; Trưởng nhóm Trung tâm tác chiến khẩn cấp và hỗ trợ cơ sở dữ liệu của sở chỉ huy Phái bộ UNMISS; Sát hạch viên của Phái bộ UNISFA đánh giá năng lực cảnh sát tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang cho hay.

Việc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Bộ Công an đã góp phần củng cố, hình ảnh, vị thế quốc gia Việt Nam và Bộ Công an Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế; tuyên truyền đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình đến Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế.

Xây dựng đội ngũ tinh thông nghiệp vụ, tác chiến độc lập trong môi trường quốc tế

Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang cho biết, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hướng tăng số lượng, nâng cao chất lượng sĩ quan tham gia, mở rộng quy mô, địa bàn, lĩnh vực, hình thức tham gia.

Trong đó, hướng đến mục tiêu mở rộng tham gia các hoạt động theo tình hình thực tế và yêu cầu của Liên hợp quốc, như: Quan sát viên bầu cử, cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ y tế, cứu nạn cứu hộ; duy trì cử lực lượng tham gia theo hình thức cá nhân và đơn vị.

Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ, pháp luật quốc tế; có năng lực, trình độ, chuyên môn cao, khả năng làm việc, tác chiến độc lập trong môi trường quốc tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Cùng với đó sẽ xây dựng Trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực về gìn giữ hòa bình của Bộ Công an theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và quốc tế, phấn đấu đưa Trung tâm này trở thành một trong những Trung tâm hàng đầu trong đào tạo, huấn luyện gìn giữ hòa bình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cử sĩ quan ứng tuyển vào các vị trí làm việc quan trọng tại trụ sở chính Liên hợp quốc và các vị trí lãnh đạo, chỉ huy tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình.

Việc Bộ Công an tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là hoạt động khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công an Việt Nam nói riêng ủng hộ mạnh mẽ mọi nỗ lực để Liên hợp quốc thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, góp phần ngăn chặn xung đột tái diễn, bảo đảm hòa bình và an ninh bền vững cho thế giới.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 1/QĐ-TW, ngày 20/10/2020 quy định về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là cơ sở chính trị cho hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Trên cơ sở đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng dần được hoàn thiện.

Mới đây nhất, tại chương trình Kỳ họp thứ 9, nhiều Đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cho rằng lực lượng này trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.

Đây cũng là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc....

Từ năm 1948 đến nay, Liên hợp quốc đã triển khai 71 Phái bộ với trên 2 triệu nhân viên; đã giúp giải quyết nhiều xung đột giữa các quốc gia, góp phần kiềm chế một số xung đột tiềm tàng có thể dẫn đến xung đột quân sự giữa các nước lớn, hỗ trợ quá trình phi thực dân hóa và chấm dứt một số cuộc nội chiến kéo dài, giúp gìn giữ hòa bình một số khu vực và thế giới. Hiện nay, Liên hợp quốc đang duy trì 11 phái bộ gìn giữ hòa bình và một số phái bộ chính trị đặc biệt, với gần 70.000 nhân viên từ 122/193 quốc gia thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Cng an tiếp tục sứ mệnh gìn giữ ha bình của Liên hợp quốc